Chiếc Sừng Vô Dụng tạo sức nóng trên mạng xã hội kêu gọi bảo vệ loài Tê giác

0
253

Nhân ngày Tê giác thế giới 22/9, CHANGE cùng WildAid ra mắt chiến dịch Chiếc sừng vô dụng nhằm phản đối việc sử dụng sừng tê giác làm thuốc chữa bệnh một cách mù quáng, đồng thời kêu gọi cộng đồng lên án việc mua bán, săn bắt tê giác lấy sừng dẫn đến loài này có nguy cơ tuyệt chủng. Chiến dịch truyền thông sáng tạo lần này khởi động với việc ra mắt hai sản phẩm video hài “Tiên dược trị không được” với sự kết hợp cùng diễn viên Huỳnh Lập, và video “Một Nén Nhang Cục Súc” của diễn viên Võ Tấn Phát, lần lượt khởi chiếu ngày 22/9 và 24/9. 

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ và buôn bán sừng tê giác lớn và cũng là nơi xuất hiện các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức. Năm 2019, Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu trái phép sừng tê lớn nhất thế giới (Theo EIA, 2021). Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam có liên quan đến nhiều vụ tịch thu với tổng cộng khoảng 2,7 tấn sừng tê giác, với khoảng 75% trong số đó có nguồn gốc từ Châu Phi. Việc săn bắt trộm tê giác để lấy sừng, với các đường dây vận chuyển, buôn bán sừng tê xuyên quốc gia mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng, đang đẩy các loài tê giác châu Phi đến bờ vực tuyệt chủng (theo Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã – TRAFFIC, 2022).

Để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài hoang dã, đặc biệt là cứu loài tê giác khỏi nạn săn bắn lấy sừng, CHANGE và WildAid công bố chiến dịch Chiếc sừng vô dụng, châm biếm việc sử dụng sừng tê làm thuốc chữa bệnh một cách mù quáng, không có cơ sở khoa học của một số người Việt, thông qua các sản phẩm video kết hợp với các nghệ sĩ và ekip được nhiều người yêu mến: diễn viên Huỳnh Lập, diễn viên Võ Tấn Phát, cùng với các diễn viên khác như Minh Dự, Lê Nhân, Hữu Đằng, Kim Đào, Lê Thư, TikToker Huỳnh Nhựt. Nội dung hai video ngoài các mảng miếng gây cười bắt kịp xu hướng giới trẻ, còn xoay quanh câu chuyện truyền tai nhau về những tác dụng vô căn cứ của sừng tê giác, và giúp mọi người hiểu về tác hại của nó mang lại. Chiến dịch kêu gọi cộng đồng lên án việc mua bán, săn bắn tê giác lấy sừng, nhằm bảo vệ  các loài tê giác trên thế giới khỏi nguy cơ tuyệt chủng bên cạnh đó giúp cải thiện hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. 

Giải thích  về ý tưởng chiến dịch, ông Trần Hiền, Quản lý truyền thông tại CHANGE chia sẻ: “Để thực hiện một chiến dịch nhận thức mà có cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp xu hướng hiện nay, CHANGE nghĩ tới làm sao để đưa thông tin thành một câu chuyện và người xem dễ hình dung, thông điệp được diễn tả trọn vẹn. Chắc  không có ai trong ngành quảng cáo hay kể cả người dân Việt Nam chưa nghe qua câu này: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, là câu bắt buộc xuất hiện trong tất cả các video/ bài quảng cáo thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Chúng tôi đã nảy ra ý tưởng sản xuất video sử dụng câu nói quen thuộc này để dễ thu hút sự chú ý công chúng nhất. Và đó cũng là thông điệp chính của chiến dịch nhân ngày Tê Giác Thế Giới 22/09 của chúng tôi – Sừng tê giác chắc chắn không phải là thuốc.”

Không chỉ là nhà sản xuất video mở đầu của chiến dịch Chiếc sừng vô dụng, Huỳnh Lập còn là nghệ sỹ ủng hộ các dự án của CHANGE qua nhiều năm, anh xúc động cho biết: “Những chiến dịch của CHANGE trước đây, Lập cũng đã từng tham gia nhiều lần nên lần này Lập cũng không ngoại lệ và rất vui khi được tiếp tục đồng hành. Đây là những chiến dịch xã hội rất ý nghĩa nên Lập mong muốn được tham gia để cùng nhau lan toả. Lập thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật quí hiếm nói chung và loài tê giác nói riêng, và Lập cũng mong được góp phần kêu gọi, lan truyền để bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của người dân.”

Diễn viên Võ Tấn Phát thể hiện niềm thương cảm với loài tê giác: “Thành phần cấu tạo nên sừng tê thực chất không khác gì móng tay, móng chân của chúng ta nên Phát mong muốn mọi người hãy luôn tỉnh táo và quyết liệt lên án mọi hành vi săn bắn và sử dụng trái phép sừng tê giác để không rơi vào tình trạng “Tiền mất tật mang”. Anh cũng nói thêm: “Là một người Nghệ sĩ ngoài trách nhiệm mang lại niềm vui cho khán giả Phát còn luôn mong muốn mang đến nhiều hơn những giá trị cho cộng đồng và xã hội. Qua lăng kính hài hước bằng những sản phẩm nghệ thuật của mình Phát hy vọng lan toả được một phần nào đó về ý thức bảo vệ động vật hoang dã mà cụ thể hơn là việc ngưng săn bắn và sử dụng trái phép sừng tê giác!”

Ngoài hai sản phẩm video, chiến dịch Chiếc sừng vô dụng còn cho ra mắt website https://chiecsungvodung.org (dự kiến ra mắt từ ngày 26/9), cung cấp các thông tin tổng quan về chiến dịch và thông tin khoa học về các loài tê giác trên thế giới, thông tin và số liệu về nạn săn bắt tê giác lấy sừng. Ngoài ra, website còn cung cấp cho người dùng các ấn phẩm đáng tin cậy, như “Cây thuốc vị thuốc đông y thay thế lời đồn chữa bệnh từ sừng tê” của USAID, hay “Danh sách ứng dụng, phòng khám chữa bệnh trực tuyến và trực tiếp” uy tín. Bên cạnh đó, cộng đồng có thể báo cáo vi phạm liên quan đến mua bán, tàng trữ, quảng cáo sừng tê giác ngay tại website.

Thông tin thêm:

Nạn săn bắt trộm tê giác là mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể tê giác. Bằng chứng cho thấy săn bắt trộm là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của hầu hết các quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tê giác bị săn bắt chủ yếu để lấy sừng phục vụ cho hoạt động buôn bán trái pháp luật. Sừng tê giác được sử dụng cho mục đích trang trí hoặc làm thuốc, nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể giúp chữa từ các bệnh đơn giản như say rượu đến những bệnh nghiêm trọng như ung thư. 

WildAid

WildAid là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. WildAid tập trung chủ yếu vào giảm thiểu nhu cầu và việc tiêu thụ trên toàn cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã, như ngà voi, sừng tê giác và vi cá mập, thông qua các chiến dịch truyền thông và hỗ trợ việc thắt chặt các quy định và tăng cường thực thi pháp luật. Với sự tham gia của các đại sứ là các nhân vật nổi tiếng và một mạng lưới các đối tác truyền thông trên toàn cầu, WildAid huy động được sự hỗ trợ của các đối tác với giá trị truyền thông hơn 230 triệu đô la mỗi năm với thông điệp đơn giản: “Không có người mua, không còn kẻ giết”. 

Trang thông tin chính thức: https://wildaidvietnam.org/ 

CHANGE 

CHANGE trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam với sứ mệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực  cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, phát triển bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Trang thông tin chính thức: www.changevn.orgwww.facebook.com/CHANGEvn 

Thông tin thêm về tê giác:

  • TÊ GIÁC: Loài động vật có vú trên cạn lớn thứ hai trên trái đất. Tuy nhiên số lượng loài còn tồn tại trong môi trường hoang dã đã không còn nhiều do nạn săn trộm tê giác lấy sừng và và tình trạng mất sinh cảnh sống kéo dài suốt mấy thập kỷ qua. 
  • Hiện có 5 loài tê giác trên thế giới: tê giác Ấn Độ (VU), tê giác trắng (NT), tê giác đen (CR), tê giác Sumatra (CR) và tê giác Java (CR). Trong năm loài còn sinh tồn, hai loài sinh sống ở Châu Phi, và ba loài sinh sống ở Nam Á. Sách đỏ IUCN đánh giá tê giác đen, Javan và Sumatra là các loài cực kỳ nguy cấp.
  • Vai trò trong hệ sinh thái: Tê giác đã tồn tại hàng triệu năm và đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Là một loài động vật chủ chốt, có vai trò quyết định duy trì tính đa dạng sinh học và sự ổn định của hệ sinh thái, Tê giác là những động vật ăn cỏ quan trọng, tiêu thụ một lượng lớn thảm thực vật, giúp định hình cảnh quan. Điều này có lợi cho các loài động vật khác và giữ sự cân bằng lành mạnh trong hệ sinh thái. 
  • Nguyên nhân tiêu thụ ở Châu Á (đa phần là Trung Quốc và Việt Nam): Những tác dụng của sừng tê giác được gán ghép, nhân nhiều lên, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được “bá bệnh”, như: sừng tê giác chữa được nhiều loại ung thư hoặc chữa một cách “thần sầu” bệnh yếu sinh lý, liệt dương ở nam giới. Và vì thế, sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền, và tê giác bị săn lùng, bị tận diệt một cách không thương tiếc để ngày nay được nêu trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
  • Thành phần hóa học chủ yếu của sừng tê giác gồm có keratin, calci carbonat, calci phosphat, protein (có các acid amin điển hình như: tyrosin, cystein, thiolactic…)… Theo báo cáo của Nam Kinh Dược học viện Trung Quốc, nước chiết sừng tê giác có phản ứng của alcaloid (một hợp chất thường thấy trong các loại dược thảo cho nhiều tác dụng dược lý khác nhau). Tuy nhiên, cho tới nay, thành phần hoạt chất (tức chất cho tác dụng điều trị nào đó) trong sừng tê giác vẫn chưa rõ là gì (theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, Nhà xuất bản Y học, năm 2000). 
  • Sừng tê giác chủ yếu bao gồm một loại protein gọi là keratin, giống như tất cả các móng guốc, sừng, tóc và móng tay, kể cả móng tay của con người. Keratin phần lớn không thể tiêu hóa được, nó đi thẳng qua ruột mà không có tác dụng chữa bệnh hay nuôi sống cơ thể. Do đó sừng tê không có tác dụng y học như nhiều người lầm tưởng.
  • Những con số đáng lưu ý:
  • Trung bình mỗi 22 giờ lại có 1 cá thể tê giác bị săn trộm
  • Chỉ mất 48 giờ để một tê giác châu Phi bị giết, lấy sừng, rồi sau đó vận chuyển qua các biên giới các nước và có mặt trên thị trường Việt Nam. 
  • Trong vòng một thập kỷ qua, gần 10.000 cá thể tê giác Châu Phi đã biến mất do nạn săn bắt.
  • Trong 100 năm qua, từ số lượng 500.000 cá thể, giờ đây số lượng tê giác trên thế giới chỉ còn khoảng 27.000 cá thể. 
  • Năm 2021, 451 con tê giác bị giết ở Nam Phi. Đây là lần đầu tiên trong sáu năm, quốc gia này ghi nhận sự gia tăng các vụ săn trộm tê giác. 
  • Ít nhất 2.707 con tê giác đã bị săn trộm trên khắp châu Phi từ năm 2018 đến năm 2021, bao gồm cả tê giác trắng (Ceratotherium simum), loài sắp bị đe dọa trong Danh sách đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa ™ và tê giác đen cực kỳ nguy cấp (Diceros bicornis) hiếm hơn. Nam Phi chiếm 90% tổng số trường hợp được báo cáo, chủ yếu ảnh hưởng đến tê giác trắng trong Vườn quốc gia Kruger, nơi có quần thể tê giác trắng lớn nhất thế giới. Kết quả là, số lượng tê giác trắng nói chung trên lục địa đã giảm gần 12% (từ 18.067 xuống 15.942 cá thể) trong giai đoạn này, trong khi số lượng tê giác đen chỉ tăng hơn 12% (từ 5.495 lên 6.195 cá thể). Nhìn chung, dân số tê giác của châu Phi giảm khoảng 1,6% mỗi năm, từ ước tính 23.562 cá thể vào năm 2018 xuống còn 22.137 vào cuối năm 2021.
  • Nguồn: https://www.traffic.org/news/rhino-poaching-and-illegal-trade-decline-but-remain-critical-threats-new-report
  • https://www.savetherhino.org/rhino-info/poaching-stats/