Dịch len lỏi hàng loạt cơ quan, bệnh viện TP HCM

0
276

[ad_1]

Sau 7 bệnh viện, loạt nhà máy, Covid-19 tiếp tục xâm nhập ba trụ sở cơ quan công quyền tại TP HCM khiến nhiều nơi phong tỏa, tạm dừng hoạt động.

18/6 trở thành ngày thứ hai liên tiếp TP HCM ghi nhận bệnh nhân công bố trong ngày cao nhất với 149 ca. 11/14 chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn, trong bối cảnh thành phố còn hơn 10 ngày giãn cách để khống chế dịch.

Dịch bệnh đang bao phủ thành phố 9 triệu dân, tất cả quận, huyện xuất hiện ca nhiễm. Người bệnh là nhân viên y tế tuyến đầu, cán bộ chính quyền, cảnh sát phòng cháy, công nhân, lao động tự do…

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM ra thông báo chiều 16/6 khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Hữu Khoa

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM thông báo tạm ngừng khám chữa bệnh chiều 16/6 khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Hữu Khoa

UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, chiều 18/6 bị phong tỏa khi phát hiện ca dương tính nCoV. Cán bộ, nhân viên tạm cách ly tại trụ sở phường. 17.000 cư dân sinh sống tại đây được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng. An Lạc là nơi ghi nhận ổ dịch chung cư Ehome 3, tổng cộng 69 ca dương tính liên quan.

Trước đó một ngày, UBND quận 7 cũng phải tạm dừng hoạt động để truy vết, khử khuẩn khi nữ cán bộ phòng tiếp nhận hồ sơ dương tính nCoV. Trụ sở này hoạt động trở lại vào ngày 18/6, song việc nhận, trả kết quả hồ sơ được chuyển qua địa điểm Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận, cách trụ sở quận khoảng 100 m.

Trụ sở Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an TP HCM khuya 17/6 phải phong tỏa tạm thời khi ghi nhận ca nhiễm công tác tại đây. Nam cán bộ cùng 6 người trong gia đình ngụ tại quận Bình Tân dương tính nCoV. Cán bộ, chiến sĩ đang làm việc cách ly tại trụ sở, đơn vị tạm ngừng tiếp người dân đến liên hệ công tác.

Nhà máy trên địa bàn thành phố tiếp tục đối mặt tình trạng dịch xâm nhập, khi một công ty tại khu công nghiệp Tân Tạo ghi nhận 26 ca nhiễm. Cụm dịch được phát hiện khi 2 người đến khám sàng lọc tại bệnh viện. Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân, truy vết những người liên quan.

Bệnh viện Trưng Vương trở thành cơ sở y tế thứ 7 bị dịch bệnh xâm nhập khi xuất hiện ca nhiễm, chỉ một ngày sau khi chuyển đổi công năng từ khám chữa thông thường sang chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Hoạt động bệnh viện không bị ảnh hưởng do không còn tiếp nhận khám ngoại trú. Hai bệnh viện khác thuộc quận 4 và quận 10 phải ngưng tiếp nhận bệnh nhân sau khi phát hiện ca dương tính đến khám.

Trước tình trạng Covid-19 liên tiếp tấn công các cơ sở y tế chủ lực, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các bệnh viện còn lại siết chặt sàng lọc người ra vào, hạn chế tối đa người thăm hoặc tự đổi người chăm sóc bệnh nhân. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh chủng Delta khiến số bệnh nhân nặng có thể gia tăng. Thành phố chuẩn bị tổng cộng 2.500 giường tại 7 cơ sở y tế sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động từ ngày 9/6. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới sau 9 ngày nới lỏng một số hoạt động. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hàng loạt tỉnh miền Trung lẫn phía Bắc đối mặt nguy cơ mới khi xuất hiện các ca lây nhiễm cộng đồng có lịch trình phức tạp. 9 ngày sau khi nới lỏng dịch vụ ăn uống, tắm biển, Đà Nẵng phát hiện ca nghi nhiễm là F1 của tài xế tại TP HCM. Ngành y tế các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu cùng lúc huy động lực lượng tìm người từng tiếp xúc với một ca dương tính khác quê ở Nghệ An, chở vải từ Bắc Giang vào Đà Nẵng bán lẻ.

Thành phố Vinh (Nghệ An) bắt đầu cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ hôm nay, sau khi ghi nhận 11 ca dương tính nCoV. Trong khi đó, Lào Cai trở thành địa phương mới nhất xuất hiện dịch bệnh. Chính quyền khẩn cấp tìm người đến 18 địa điểm trải dài từ Nam ra Bắc, liên quan đến ca nhiễm là tài xế container chở hàng từ TP HCM ra cửa khẩu Kim Thành.

Sau nhiều ngày khống chế được ba ổ dịch lớn, Bắc Giang xuất hiện thêm cụm dịch cộng đồng tại xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn. Chính quyền đã phong tỏa ba xã Kiên Thành, Kiên Lao và một phần Trù Hựu. Ngành y tế cấp tốc lấy mẫu 12.000 dân cư, khoanh vùng, dập dịch. Lục Ngạn, thủ phủ vải thiều của Bắc Giang còn khoảng 50.000 tấn vải thiều chính vụ đang độ thu hoạch. Chính quyền khẳng định sẽ nhanh chóng khống chế ổ dịch để bảo vệ vùng vải, đảm bảo tiêu thụ trái cây cho nông dân.

Giải thích ca nhiễm hơn 300 sau nhiều ngày giảm nhiệt, Ban Chỉ đạo chống dịch Bắc Giang cho biết do số lượng mẫu lớn, tổng hợp kết quả cần thời gian. Máy xét nghiệm của một số đơn vị bị trục trặc, phải chạy lại mẫu hoặc gửi mẫu đi nơi khác kiểm chứng. Kết quả nhiều ngày cộng dồn gửi về hệ thống của Bộ Y tế để lấy mã số, thực chất bệnh nhân đã đi điều trị 5-7 ngày trước. Ca mắc mới chủ yếu trong vùng cách ly, phong tỏa, không phải ngoài cộng đồng.

Người dân Lục Ngạn chở vải thiều đi cân, tháng 6/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Người dân Lục Ngạn chở vải thiều đi bán, tháng 6/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Việt Nam sắp bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất nước với mục tiêu cuối năm chủng ngừa 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch đồng loạt tại 63 tỉnh thành, lập điểm tiêm cố định tại xã, phường và điểm lưu động tại nhà máy, trường học, một số khu vực để người dân được tiêm chủng nhanh nhất.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ tập hợp chuyên gia đầu ngành sẽ để trợ giúp địa phương đảm bảo an toàn tiêm chủng. Bộ đã xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ kế hoạch mua 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70 triệu người.

Cách kỳ thi THPT quốc gia 20 ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án tổ chức chia làm hai đợt. Đợt đầu diễn ra vào ngày 7-8/7. Thí sinh trong vùng phong tỏa, cách ly xã hội, là F0, F1, F2 sẽ không tham gia. Đợt tiếp theo chưa công bố thời gian cụ thể mà phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Thêm một năm nữa, hơn một triệu sĩ tử khối 12 cả nước trải qua kỳ thi đầy biến động khi dịch bùng phát vào mùa hè. Kỳ thi diễn ra tháng 8/2020 cũng phải chia làm hai đợt, trong bối cảnh dịch bùng mạnh tại Đà Nẵng. 26.000 thí sinh của 19 tỉnh thành phải thi đợt hai, sau ngày thi chính thức gần một tháng.

Bùng phát 53 ngày, đợt dịch thứ tư lan rộng 41 tỉnh thành, khiến 9.173 người nhiễm bệnh, nhiều hơn tất cả các đợt dịch trước cộng lại.

Hồng Chiêu

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình “Tiếp sức cho tâm dịch”. Xem chi tiết tại đây.

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here