Giải pháp Xanh của Bắc Âu về Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Chất thải: Bài Học Kinh nghiệm và Khuyến Nghị Chính sách cho Việt Nam

0
203

Nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2023, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức một buổi tọa đàm tại Hà Nội để cùng chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp xanh cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải cũng như những khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam. Sự kiện nhằm mục đích cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các chính sách, sáng kiến ​​và các giải pháp sáng tạo của các nước Bắc Âu trong quá trình chuyển đổi xanh, có thể phù hợp và áp dụng được ở Việt Nam trong việc loại bỏ chất thải và giảm thiểu ô nhiễm, tuần hoàn sản phẩm và tái tạo thiên nhiên.

Đây là lần thứ năm tọa đàm được tổ chức, với sự tham gia của đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các phòng thương mại, các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, các nhà hoạt động xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và thanh niên.

Sự kiện lần này sẽ tập trung vào cách mà khu vực Bắc Âu, được biết đến với những cam kết mạnh mẽ đối với môi trường và tính tuần hoàn, đang dẫn đầu trong quá trình đổi mới sáng tạo xanh. Tọa đàm cũng tạo điều kiện để các tổ chức và công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này học hỏi từ mô hình Bắc Âu, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp cho Chương trình nghị sự 2030, Thỏa thuận Paris cũng như đạt được sự phục hồi xanh và toàn diện sau đại dịch Covid-19.

Trước thềm sự kiện, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, nhấn mạnh “Tính tuần hoàn và phát triển bền vững là trọng tâm của các quốc gia Bắc Âu. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ những bài học và kinh nghiệm quý báu của mình để có thể chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững hơn, theo đó vừa tăng trưởng kinh tế và vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Và cố gắng tìm ra hướng đi tốt nhất để cả kinh tế và môi trường đều thắng.”

Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Keijo Norvanto, nhận định: “Đối với các nước Bắc Âu, kinh tế tuần hoàn là một công cụ hiệu quả để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường, cùng lúc đó sẽ tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp vào phúc lợi chung của toàn xã hội. Tôi rất vui mừng vì sự kiện Ngày Bắc Âu 2023 nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và đông đảo khán giả Việt Nam.”

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Dương Trung Ý, ghi nhận tầm quan trọng của những nỗ lực này và sự cần thiết của hợp tác quốc tế, cho biết: ”Khi Việt Nam cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và xanh hơn sau Covid-19, đây thực sự là thời điểm thích hợp để để lồng ghép kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế khí thải và chất thải, cũng như tái tạo môi trường. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong đó có các nước Bắc Âu về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp có thêm những gợi mở chính sách phù hợp với điều kiện thực tế đất nước để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.”

Khu vực Bắc Âu đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến ​​để thúc đẩy phát triển bền vững. Đan Mạch đã thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, tập trung vào việc giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào muộn nhất là năm 2050. Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng Lộ trình Quốc gia tiến tới Nền Kinh tế Tuần hoàn (2016–2025) nhằm mục đích giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy việc tái sử dụng nguyên vật liệu. Na Uy hiện đang khởi động Sáng kiến ​​Công nghiệp Xanh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tạo việc làm, tăng xuất khẩu và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, Thụy Điển đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tính bền vững, bao gồm cả việc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.

Việt Nam đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này cũng đã được tái khẳng định trong cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam tại COP27 2022. Với cam kết này và tiếp nối thỏa thuận với các nước G7++ về Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để thực hiện các bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra, với Chiến lược Tăng trưởng Xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững thông qua thúc đẩy công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này cũng chú trọng tới quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Áp dụng những công nghệ hiện đại và giải pháp sáng tạo, Việt Nam còn có thể trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững.

Đại diện của một số tổ chức và công ty Bắc Âu, bao gồm Re:source và Elextrolux (Thụy Điển), Quỹ Đổi mới Phần Lan Sitra, Valmet (Phần Lan), SINTEF, TOMRA (Na Uy) và Gehl Architects (Đan Mạch), v.v… đã tham gia Tọa đàm và thảo luận về mô hình kinh doanh tuần hoàn của họ cùng với các cam kết tăng cường việc tái chế, giảm thiểu chất thải và khí thải carbon trong quá trình hoạt động. Các đại diện này cũng nhấn mạnh những nỗ lực trong việc nâng cao kỹ năng, tài chính, áp dụng công nghệ cũng như môi trường pháp lý thuận lợi sẽ là chìa khóa để tận dụng tối đa quá trình chuyển đổi xanh và khai phóng toàn bộ tiềm năng cho tương lai của Việt Nam.

Để xem các hình ảnh miễn phí về Hợp tác Bắc Âu về kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải, vui lòng nhấp vào https://www.norden.org/en/images

THÔNG TIN TỔNG QUAN

Các nước Bắc Âu

Các quốc gia Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland cũng như Quần đảo Faroe, Greenland và Åland, đã tạo thành một trong những hình thức hợp tác chính trị khu vực lâu đời và đa dạng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà một khu vực chỉ có 27 triệu dân, thậm chí không lọt vào top 50 quốc gia được xếp hạng theo dân số, lại là một trong những khu vực hội nhập nhất, cùng nhau chia sẻ các giá trị và mục tiêu phát triển chung.

Do đó, các quốc gia Bắc Âu thường đạt điểm cao trên các bảng xếp hạng và chỉ số quốc tế, chẳng hạn như chỉ số Sáng tạo, Hạnh phúc, Phát triển Con người, Phúc lợi Công dân, Quản trị, Minh bạch, Bình đẳng, Chỉ số Tiến bộ Xã hội, Chỉ số Phát triển Toàn diện, Chỉ số Bền vững, v.v.

Cả bốn nước Bắc Âu có Đại sứ quán tại Hà Nội đều là những nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (Thụy Điển: 1969, Đan Mạch và Na Uy: 1971, Phần Lan: 1973). Trong những năm qua, các nước Bắc Âu luôn là những người bạn, những đối tác tin cậy của Việt Nam ngay cả trong thời điểm khó khăn và tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực quốc gia về đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự bình đẳng, bảo vệ môi trường và sự hòa nhập, coi đó là nền tảng cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc có thể cung cấp một thước đo hoặc tiêu chuẩn lý tưởng để đưa tính bền vững vào các chương trình nghị sự của các quốc gia, đồng thời đưa các vấn đề môi trường ngày nay trở thành xu hướng nhận thức và hành động của từng quốc gia. Chỉ số SDG là thước đo tổng hợp về tiến bộ đạt được trong tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững, xếp hạng 165 Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc dựa trên hiệu suất của họ thông qua 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Đến nay, Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng, với Đan Mạch và Thụy Điển lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba, Na Uy xếp ở vị trí thứ 4, cho thấy các nước Bắc Âu hiện đang trên lộ trình tốt nhất để đạt được các mục tiêu này. Dẫu vậy, vẫn cần sự nỗ lực mạnh mẽ để đạt được tất cả các Mục tiêu vào năm 2030 https://dashboards.sdgindex.org/rankings

Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 55 https://dashboards.sdgindex.org/profiles/vietnam