Hành trình người lính Hy Lạp trở thành chiến sĩ Việt Nam

1
337

[ad_1]

Kostas Sarantidis sinh ra tại Hy Lạp, song dành phần lớn tuổi xuân chiến đấu chống thực dân Pháp tại Việt Nam với cái tên Nguyễn Văn Lập.

“Tên tôi là Kostas Sarantidis. Tôi sinh năm 1927 tại Salonika. Tôi lớn lên ở Toumba, trong khu lán gỗ”, người chiến sĩ Việt Nam gốc Hy Lạp giới thiệu bản thân trong phim tài liệu Viet – Kostas của đạo diễn Giannis Tritsibidas năm 2014.

“Cha tôi là một người nhập cư gốc Tiểu Á, một công nhân điển hình và làm việc trong các cửa hàng máy móc. Cha mẹ tôi có 7 người con, đó là một gia đình lớn. Tôi chẳng nhớ bất cứ điều gì thú vị về thời thơ ấu của mình, đó là những năm tháng khó khăn và thiếu thốn đủ bề”.

Năm 1940, khi Sarantidis 13 tuổi, phát xít Đức chiếm đóng Hy Lạp. Ông buộc phải thôi học bởi quân Đức trưng dụng tòa nhà trong khuôn viên trường ông. Cha của Sarantidis không thể kiếm đủ tiền nuôi gia đình, ông cùng các anh chị em ra đường bán những món hàng lặt vặt.

“Ngày nọ, chúng tôi mua thuốc lá từ nông dân để đổi lấy giấy cuốn từ người Đức tại chợ đen ở Vardaris, Salonica. Giấy cuốn khi đó là một mặt hàng hiếm”, Sarantidis kể lại. “Chúng tôi gặp một chốt kiểm soát của quân Đức và bị bắt. Họ đưa chúng tôi tới Pavlou Mela, ở đó có tòa nhà là điểm trung chuyển của các tiểu đoàn công binh Đức”.

“Rồi tới lúc họ lên đường tới Đức. Tôi sẽ không bao giờ quên, đó là ngày 22/9/1943”, Sarantidis nói và cho biết phải đi bộ qua lãnh thổ Nam Tư để tới Đức. “Lính Đức đi xe đạp thay phiên giám sát chúng tôi từ điểm trung chuyển này tới điểm trung chuyển khác. Tôi là người trẻ nhất trong số 200-300 người sẽ phải làm việc ở Đức”.

Trung úy Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập những năm 1950. Ảnh: TTXVN.

Trung úy Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập những năm 1950. Ảnh: TTXVN.

Sarantidis gặp một người Nam Tư đồng cảnh ngộ tại một doanh trại của lính Đức ở thành phố Zagreb, nay thuộc Croatia. Với bộ quân phục Đức, Sarantidis lợi dụng lỗ hổng trong quản lý hậu cần của quân đội phát xít và sống trên những chuyến tàu qua lại biên giới các nước trong khu vực.

Khi Thế chiến II kết thúc, Sarantidis tới Italy và bị lính Mỹ bắt tại biên giới, rồi bị chuyển qua các trại tù binh ở Trieste, Naples, Rome và cuối cùng là Cinecitta. “Chúng tôi tìm đến đại sứ quán Hy Lạp, song họ không thể giúp chúng tôi hồi hương. Chúng tôi dần trở nên tuyệt vọng”.

Một người đồng hương Hy Lạp thuộc Binh đoàn Lê dương của Pháp đã đề nghị Sarantidis gia nhập và chiến đấu trong lực lượng này trong 5 năm.

“Chúng tôi tới đại sứ quán Pháp, ký giấy tờ mà không bị chất vấn hay yêu cầu giải thích. Một chiếc xe tải vài hôm sau đưa chúng tôi đến căn cứ của Pháp tại Naples, Italy. Ba ngày sau, chúng tôi lên một con tàu tới Algeria. Tàu cập cảng ngày 15/8/1945”, Sarantidis kể lại.

Tiểu đoàn Lê dương của Sarantidis đóng quân tại thành phố Sidi Bel Abbes, nay là thủ đô của Algeria. Sarantidis cùng ba đồng hương Hy Lạp khác trải qua các đợt huấn luyện quân sự và diễn tập trên sa mạc.

“Binh đoàn Lê dương khi đó có 80% binh sĩ là người Đức”, Sarantidis nói về cách Pháp xử lý tù binh Đức sau Thế chiến II. “Đưa họ vào Binh đoàn Lê dương là hợp lý nhất. Trung đội tôi có 33 binh sĩ thì 29 trong số này là người Đức”.

Tới một ngày, những chiếc xe tải tới doanh trại Binh đoàn Lê dương nơi Sarantidis đóng quân và trút xuống những bao tải lớn chứa quân phục và khí tài Anh để các binh sĩ “tới nơi mà không thể hiện diện với tư cách lực lượng Pháp”. Các binh sĩ sau đó lên tàu rời Algeria, dừng lại ở các trạm trung chuyển ở Ai Cập, Ấn Độ rồi tới thành phố Sài Gòn, vào thời điểm Việt Nam vừa giành được độc lập, còn thực dân Pháp nhăm nhe quay trở lại đánh chiếm thuộc địa cũ này.

“Chúng tôi không tham gia vào nhiều trận đánh ở miền Nam. Các binh sĩ được lệnh đi càn và đốt phá để chứng tỏ bản thân mình cứng rắn”, Sarantidis nói và kể lại rằng các sĩ quan chủ yếu dàn dựng cảnh các đơn vị Lê dương bắn vào nhau, sau đó báo cáo rằng “đã hạ sát một số thành viên Việt Minh, thu được một số vũ khí”.

“Các sĩ quan bày trò đó để giành huy chương hay thăng chức. Rất nhiều trò bịa đặt như vậy”, Sarantidis cho biết. “Tôi muốn bỏ hàng ngũ vì không thể chịu đựng thêm nữa khi ngày cuối cùng tại đơn vị, tôi tận mắt chứng kiến cả trung đội hãm hiếp một thiếu nữ 14-15 tuổi”.

Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập những năm 1950. Ảnh: TTXVN.

Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập những năm 1950. Ảnh: TTXVN.

Sĩ quan chỉ huy đơn vị của Sarantidis, trung úy Christiani, tới Sài Gòn và quay lại sau đó 3-4 ngày và “mang theo một cô gái xinh đẹp”. Sarantidis vào một ngày nhận được mẩu giấy viết rằng “cô ấy ở một mình vào buổi tối” khi trung úy Christiani có cuộc gặp tại thị trấn.

“Tôi quyết định tới phòng sĩ quan và phát hiện ra cô ấy đang tìm kiếm thứ gì đó giữa đống tài liệu. Cô ấy nói rằng nếu muốn thì hãy khám người cô ấy. Tôi không dám làm”, Sarantidis nói. “Tôi nói rằng ‘Hãy để đống tài liệu đấy ở nguyên đó. Đừng mạo hiểm, trung úy có thể quay lại và nhìn thấy cô lục lọi đống giấy tờ'”.

Sarantidis sau đó biết rằng cô gái là một thành viên Việt Minh có biệt danh Lily. Sarantidis nói rằng muốn trốn khỏi đơn vị Lê dương và cùng Merinos, một thành viên người Tây Ban Nha trong đơn vị lính Lê dương, lên kế hoạch đào tẩu. “Tôi đã biết mình muốn gì, tôi đã hiểu Việt Minh là gì và gồm những ai”, Sarantidis nói và cho biết “sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro” để theo Việt Minh.

Trong một lần đi tuần, đơn vị của Sarantidis bắt một người bị tình nghi là Việt Minh. Sarantidis nói với người này rằng “tôi muốn đến với Việt Minh, anh giúp tôi được chứ?”. “Tôi muốn trốn lên núi, gia nhập lực lượng du kích. Tôi muốn làm điều đó. Tôi không thể sát hại người Việt Nam”, Sarantidis giải thích.

“Các bạn chiến đấu cho Tổ quốc của mình như tổ tiên chúng tôi chiến đấu vì quê hương, như dân nước tôi chiến đấu chống quân Đức. Tôi muốn làm điều đó”, Sarantidis kể lại.

Sarantidis, Merinos và các tù binh Việt Nam mở cửa, lấy một khẩu trung liên Bren, hai hộp lựu đạn và một thùng đạn. Từng người một băng qua bãi mìn, nơi Sarantidis biết rất rõ vì ông là người cài mìn và đã cố tình để lại một khoảng trống gần nhà vệ sinh, nơi sĩ quan không tới kiểm tra vì “sợ mùi hôi”. 25 người trốn cùng nhóm Sarantidis đi về làng của mình, còn họ tới bìa rừng.

Sarantidis và Merinos đợi trong hai đêm để người du kích Việt Nam vào rừng liên lạc với đơn vị, rồi 6 người quay ra gặp họ. “Họ lấy số vũ khí chúng tôi mang theo, rồi dẫn chúng tôi tới một bãi đất trống nơi họ đóng quân”, Sarantidis cho biết.

“Họ giết thịt một con bê, quá nhiều để đền đáp chúng tôi và số súng đạn mang theo. Nước mắt họ như chực trào ra, họ nói rằng ‘chúng tôi rất muốn sở hữu một khẩu súng như vậy, giờ chúng tôi đã có một khẩu cùng rất nhiều đạn nữa'”.

Sarantidis kể rằng lực lượng Việt Minh chỉ sở hữu ba khẩu súng hỏa mai của Pháp với độ dài khác nhau, các sĩ quan đeo súng ngắn, một số chiến sĩ mang theo dao, kiếm hoặc dùng súng ngắn rất cũ. “Chúng tôi gia nhập lực lượng du kích Việt Nam”, Sarantidis nói. “Trong một buổi lễ đơn giản, họ đặt cho tôi cái tên Nguyễn Văn Lập, và người bạn Merinos của tôi được đặt tên Nguyễn Văn Vĩ”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (áo trắng) bắt tay cựu chiến binh Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập  (áo vest xanh) tại Phủ Chủ tịch tháng 6/2010. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (áo trắng) bắt tay cựu chiến binh Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập (áo vest xanh) tại Phủ Chủ tịch tháng 6/2010. Ảnh: TTXVN.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Lập cho biết giai đoạn những năm 1946-1948, ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hết sức khắc nghiệt. “Chúng tôi được cấp khẩu phần ăn 800 g mỗi ngày. Nếu mua được rau thì tốt, còn không chúng tôi cố gắng tìm thứ mang tên rau tàu bay. Đó là nguồn cung lương thực duy nhất cho toàn quân”.

“Đêm trước chiến dịch, anh nuôi nấu cơm và nặn thành những vắt cơm như cách người châu Âu chúng tôi nhào bột mì”, ông Nguyễn Văn Lập nói. “Trước trận đánh, tôi ăn hết khẩu phần với suy nghĩ rằng nếu lính Pháp giết và mổ bụng tôi, chúng sẽ thấy rằng tôi được ăn no và không thể cười nhạo rằng ‘thằng khốn này chết vì đói'”.

Nguyễn Văn Lập nói rằng không có sự khác biệt giữa chiến sĩ với sĩ quan trong lực lượng Việt Minh. “Họ cư xử với nhau như anh em”, ông cho biết. “Khẩu hiệu của họ, tương đồng với người Hy Lạp chúng tôi, ‘Tự do hay là chết'”.

Ông Lập sau đó được cử đi học và gặp một sĩ quan gốc Đức của Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Anh ấy ủng hộ tôi thi vào trường sĩ quan. Tôi theo học một thời gian rồi quay lại với các đồng đội ở Đà Nẵng”, ông nói. “Tôi chiến đấu ở Đà Nẵng trong suốt 9 năm, được phong quân hàm trung úy”.

Trong một trận đánh ở gần ga Phú Cang, tỉnh Quảng Nam, xạ thủ trung liên Nguyễn Văn Lập bắn hạ một máy bay Morane-Saulnier và bắt ba phi công Pháp. Ông cùng đồng đội tham gia chống càn tại Hương An – Bà Rén ngày 13/4/1948, bẻ gãy đợt tiến công và tiêu diệt 200 lính Pháp. Nguyễn Văn Lập được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1949, cấp bậc cao nhất của ông là đại úy.

Sau Hiệp nghị Geneva năm 1954, Nguyễn Văn Lập tập kết ra Bắc và lấy vợ 4 năm sau đó. Ông cùng gia đình xin phép trở về Hy Lạp năm 1965 vì mẹ ông mong chờ tin về con trai. “Mọi thứ khi đó thật khó khăn, tôi gần như quên sạch tiếng Hy Lạp và không hiểu gì cả. Tôi cố đọc và cũng chẳng hiểu vì mới chỉ học đến lớp 4. Vốn từ vựng của một đứa trẻ 10 tuổi có được bao nhiêu đâu”, ông Lập nói.

“Từ ngày trở về Hy Lạp, tôi luôn nghĩ tới Việt Nam”, ông Lập nói và cho biết cảm thấy vui sướng khi nhận được tin Việt Nam đại thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Trong tâm trí tôi luôn có hình ảnh những trẻ em là nạn nhân chất độc dioxin. Tôi gặp các em trong vài chuyến thăm Đà Nẵng sau này. Nếu chứng kiến tận mắt, bạn sẽ thấy trái tim mình đau đớn đến chừng nào”.

Quốc kỳ Hy Lạp và Việt Nam lần lượt được phủ lên linh cữu của Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập trong lễ tang ngày 30/6. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Hy Lạp.

Quốc kỳ Hy Lạp và Việt Nam lần lượt được phủ lên linh cữu của Kostas Sarantidis/Nguyễn Văn Lập trong lễ tang ngày 30/6. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Hy Lạp.

Nguyễn Văn Lập tham gia nhiều hoạt động xây đắp quan hệ giữa Việt Nam và Hy Lạp. Trên hòm thư trước cổng nhà, ông đề cái tên Hy Lạp và Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. “Mỗi ngày tôi mơ về những điều đã diễn ra ở mảnh đất này, những năm tháng khó khăn trong quá khứ xa xôi”, ông Lập cho biết.

Nguyễn Văn Lập được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị và quyết định cấp quốc tịch Việt Nam ngày 7/1/2011. Ông được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam năm 2013, trở thành người nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới nay được nhận danh hiệu cao quý này.

Người chiến sĩ gốc Hy Lạp của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua đời ngày 25/6 ở tuổi 94. Trong đám tang được tổ chức 4 ngày sau đó, quốc kỳ Hy Lạp và Việt Nam lần lượt được phủ lên linh cữu ông.

“Không ai biết về định mệnh của mình. Nếu không tham gia Binh đoàn Lê dương, không tới Việt Nam và không gia nhập Việt Minh, tôi sẽ trở thành người thế nào? Tôi sẽ rơi xuống vũng lầy nào?”, ông Nguyễn Văn Lập nói trong cuộc phỏng vấn năm 2014.

“Tôi tự hào về những điều tôi đã và sẽ tiếp tục cống hiến cho Việt Nam với cả trái tim của mình, bởi họ xứng đáng với điều đó. Tôi yêu mến và kính trọng họ”, người chiến sĩ gốc Hy Lạp cho biết. “Tôi chẳng hối tiếc điều gì. Nếu cuộc đời tôi còn cơ hội tương tự, tôi sẽ làm giống hệt quá khứ”.

Nguyễn Tiến

[ad_2]

1 COMMENT

  1. You are really a good webmaster. The site loading speed is amazing.
    It seems that you’re doing any distinctive trick. In addition, the contents are masterpiece.
    you’ve done a great job on this matter! Similar here: ecommerce and also here: Sklep

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here