‘Kỷ lục gia’ đa tài của trận chung kết Olympia

0
402

[ad_1]

Hà NộiSở hữu hai kỷ lục của chương trình Olympia cùng nhiều giải thưởng Toán và Hóa học, Hải An còn biết chơi ba loại nhạc cụ, sáng tác thơ và tản văn.

Chiều chủ nhật, như thường lệ Nguyễn Thiện Hải An, học sinh lớp 11A1 Hóa, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng gia đình quây quần bên TV để theo dõi Đường lên đỉnh Olympia. Chương trình phát sóng ngày 20/6 đặc biệt hơn vì Hải An là một trong bốn “nhà leo núi” sau khi giành chiến thắng cuộc thi tuần và đạt điểm nhì cao nhất vòng thi tháng.

Khoảnh khắc em giành quyền trả lời hai câu hỏi cuối cùng trong phần thi về đích của Tấn An, vượt qua điểm của thí sinh Viết Hà đang đứng đầu và chiến thắng chung cuộc, cả nhà cùng vỗ tay reo hò. “Khi xem chương trình, em như được trải qua trận đấu kịch tính này một lần nữa”, Hải An nói.

Hải An trong một sự kiện của High School Help Kit (HSHK), dự án hỗ trợ học sinh cấp hai trong giai đoạn chuyển cấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hải An trong một sự kiện của High School Help Kit (HSHK), dự án hỗ trợ học sinh cấp hai trong giai đoạn chuyển cấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sống tại Hà Nội, Hải An xuất thân là học sinh chuyên Toán. Trong bốn năm THCS, An đã giành hơn 20 huy chương ở các cuộc thi Toán khu vực và quốc tế, trong đó có Olympic Toán học Singapore – châu Á, Toán học châu Á – Thái Bình Dương, Olympic Toán Singapore, Toán học không biên giới…

Đến năm lớp 8, được giáo viên Hóa học truyền cảm hứng, An quyết định chuyển hướng. Bố mẹ An có phần ngạc nhiên và ban đầu chưa đồng ý trước lựa chọn này của con trai. Sau khi được giáo viên thích rằng An có đủ khả năng theo được Hóa và vẫn có thể học tốt Toán, bố mẹ tôn trọng quyết định của em.

Chỉ một năm sau đó, An ghi dấu thành tích đầu tiên trong môn Hóa bằng giải nhất kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội, sau đó là giải ba học sinh giỏi quốc gia. An cho rằng mình may mắn vì gặp được những thầy cô tận tụy, giúp em luôn tin rằng quyết định năm đó của mình đúng đắn.

Khi trở thành học sinh lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, An không đi học thêm nữa. Vì chỉ phải học ở trường buổi sáng, em có nhiều lựa chọn cho buổi chiều như sinh hoạt câu lạc bộ, lên thư viện đọc sách hoặc về nhà sáng tác thơ, nhạc. “Em muốn tìm hiểu về nhiều lĩnh vực và thử sức trong các vai trò mới chứ không chỉ tập trung học Hóa hay Toán”, An nói.

Khi An lựa chọn tạm dừng việc thi học sinh giỏi và tham gia các cuộc thi Toán học, Hóa học, nhiều người bảo phí. Riêng em hiểu rằng nếu tiếp tục học sâu, luyện thi, em có thể đạt thêm thành tích. Con đường này an toàn nhưng không còn mới mẻ và hấp dẫn An như trước. “Sau này em vẫn theo Hóa chuyên sâu nhưng nghĩ rằng trải nghiệm tham gia và đoạt giải học sinh giỏi quốc gia một lần là đủ. Em muốn học nhiều thứ hơn nữa”, An chia sẻ.

Hiện, nam sinh dành thời gian rảnh để chơi đàn, sáng tác. Em học piano từ năm lớp 7, từng giành giải nhất quốc tế sáng tác nhạc Piano lần thứ 32. Sau đó, An học thêm guitar và đàn tranh, tự sáng tác nhiều ca khúc. Ngoài ra, là thành viên câu lạc bộ sáng tác văn học, em cũng thường xuyên làm thơ, viết tản văn. Chủ đề yêu thích của Hải An là nghệ thuật và các trường phái nên bên cạnh việc sáng tác, em cũng thích đọc tài liệu viết về lĩnh vực này.

Ngoài ra, Hải An còn dành thời gian cho nhiều dự án ngoại khóa. Với tư cách đồng sáng lập, An và cộng sự đang duy trì dự án SOFT.D (Việc làm bền vững cho người khuyết tật). Xuất phát từ ý tưởng trong lần tham gia trại hè của An và bạn bè, SOFT.D được tạo ra với mong muốn đem lại cuộc sống bền vững và hạnh phúc hơn cho người khuyết tật. Năm ngoái, nhóm đã tổ chức thành công sự kiện cho các trẻ em điếc ở trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, quận Đống Đa và đang khởi động cho những hoạt động quy mô hơn.

Chàng trai sinh năm 2004 cũng là thành viên năng nổ của High School Help Kit (HSHK), dự án hỗ trợ học sinh cấp hai trong giai đoạn chuyển cấp. Thời gian này khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng hàng loạt trường chuyên thuộc đại học tổ chức thi tuyển vào lớp 10, An cùng đội ngũ HSHK sẽ tư vấn, hướng dẫn các em khóa dưới làm bài tập và giải đề thi. “Quãng thời gian tham gia các dự án đã thay đổi cuộc sống của em, dạy em cách làm việc chuyên nghiệp và trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm”, An nói.

Sau khi trở thành Á quân cuộc thi Chinh phục năm 2018, An muốn trở thành thí sinh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia và nghĩ mình có thể tiến sâu. Từ khi nộp đơn đăng ký đến lúc ghi hình, An không chủ động ôn tập hay thi thử. Em giữ thói quen đọc sách hàng ngày, tìm hiểu thêm kiến thức mới vì hiểu rằng “mình không nên chỉ ôn vì Olympia mà nên đọc vì bản thân thấy cần thiết”.

Hải An (đội mũ) cùng các thành viên của dự án SOFT.D. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hải An (đội mũ) cùng các thành viên của dự án SOFT.D. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngay từ vòng thi tuần, nam sinh đã thiết lập hai kỷ lục của chương trình khi giành nhiều điểm nhất phần thi Khởi động (150), đạt tổng điểm cao nhất Olympia năm thứ 21 (410). Trận đấu hôm đó, Hải An gây ấn tượng khi trả lời đúng 15/17 câu trong một phút. Em cho biết, tốc độ đọc phụ thuộc dòng suy nghĩ ở từng lĩnh vực. Chẳng hạn, với thơ, truyện hay các sách triết học, nam sinh sẽ đọc chậm và đẩy tốc độ khi tiếp cận thông tin cô đọng và dễ hiểu hơn.

Trong ba trận đấu, Hải An ấn tượng với câu hỏi về bài thơ “Xuân không mùa” của Xuân Diệu. Dù không hề biết tác phẩm này, em vẫn suy luận và điền đúng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vào các câu thơ theo yêu cầu của chương trình. Nhờ việc giành điểm từ câu hỏi này, An mới trở thành thí sinh có điểm nhì cao nhất và góp mặt trong trận thi quý, từ đó giành vé đến chung kết năm.

Chia sẻ về khoảnh khắc kịch tính của vòng thi quý, chàng trai Hà Nội kể, khi Tấn An, thí sinh cuối cùng bước vào phần về đích, chọn gói câu hỏi, Hải An đang kém người dẫn đầu 15 điểm. Em hy vọng bạn cùng chơi chọn câu hỏi với số điểm lớn, tuy nhiên Tấn An chọn ba câu 10 điểm và đã bị thí sinh khác lấy điểm ngay câu đầu tiên.

May mắn đã mỉm cười với Hải An khi hai câu hỏi cuối trong phần thi của Tấn An hỏi về biệt đội tàu ngầm tấn công hiện đại của Hải quân Việt Nam và hợp kim chế tạo máy bay, tàu vũ trụ. Khi Tấn An đưa ra đáp án sai, Hải An nhanh chóng bấm chuông xin trả lời và giành chiến thắng sát sao, lách qua cánh cửa hẹp để góp mặt trong trận chung kết năm.

Hải An đội vòng nguyệt quế, giơ cao kỷ niệm chương sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết quý III, năm thứ 21 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh chụp màn hình

Hải An đội vòng nguyệt quế, giơ cao kỷ niệm chương sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết quý III, năm thứ 21 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh chụp màn hình

Cô Nguyễn Thị Thanh Quyên, giáo viên chủ nhiệm của Hải An, đã ngồi dưới ghế khán giả theo dõi em thi đấu suốt ba trận. Cô đánh giá An học toàn diện, am hiểu mọi lĩnh vực. Mỗi khi quyết định làm gì, em đều dành tâm sức, kiên trì quyết tâm theo đuổi đến cùng, điều đó khiến em mang màu sắc khác biệt với những cá nhân ưu tú khác ở trường chuyên Khoa học Tự nhiên. Khi cho điểm Hải An, ngoài điểm 9-10, giáo viên luôn ghi vào sổ điểm những lời ngợi khen. “Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp một học sinh như vậy”, cô giáo bày tỏ.

Là giáo viên dạy Văn, cô Quyên ấn tượng với cậu học trò chuyên Hóa nhưng học Văn rất tốt, giàu cảm xúc và sống nhân văn. Hải An từng đại diện học sinh toàn trường gửi lời chúc mừng tới các thầy cô dịp Tết Nguyên đán và với cô Quyên, đó là bài phát biểu năm mới hay nhất. “An có khả năng theo đuổi nhiều lĩnh vực, nếu theo được Hóa thì rất tốt. Tôi nghĩ sau này, em nhất định trở thành một trí thức với vốn kiến thức cực kỳ sâu rộng”, cô giáo chia sẻ.

Mùa hè này, Hải An sẽ dành thời gian để ôn thi IELTS, hoàn thiện hồ sơ du học và các dự án cá nhân. Để chuẩn bị tốt cho trận chung kết Olympia vào tháng 9, Hải An nghĩ mình cần cải thiện tính chính xác trong phần Vượt chướng ngại vật và tốc độ ở phần Tăng tốc để tận dụng cơ hội gia tăng điểm số. Ngoài ra, em sẽ lên danh mục những chủ đề cần học để ôn tập một cách có hệ thống hơn. “Vào đến vòng cuối cùng, em chắc chắn làm hết sức để không tiếc nuối điều gì và cũng để hành trình của mình tại Olympia khép lại một cách trọn vẹn”, An nói.

'Kỷ lục gia' đa tài của trận chung kết Olympia

Hai câu hỏi mang tính quyết định trong phần thi Về đích của trận thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát sóng ngày 20/6. Video: VTV3

Thanh Hằng

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here