‘Kỳ thi khác thường’ của cậu học sinh 18 tuổi

0
329

[ad_1]

Hà NộiNhững ngày bạn bè thi tốt nghiệp THPT, Học cũng có cảm giác hồi hộp, nhưng không phải để giành suất ở giảng đường, cậu chỉ muốn ca mổ thành công để giành lại đôi chân.

Trong cơn hôn mê trước phẫu thuật hôm 6/7, Nguyễn Văn Học, cậu học sinh lớp 12D4, trường THPT Lương Tài 2 (Bắc Ninh) mơ thấy mình đang sải bước trên sân cỏ, nơi cậu hay đá vị trí tiền đạo trong đội bóng của lớp. Tỉnh dậy sau 9 tiếng trong phòng mổ và hồi sức, Học thấy mình nằm trên chiếc giường trắng. Cậu vội rờ xuống chân, dù đau đớn, nhưng thở phào khi nó vẫn ở lại.

“Ban đầu, bác sĩ ở bệnh viện khác nói cắt cụt chân con tôi mới sống được. Thấy con khóc, tôi bảo ‘bằng giá nào bố cũng cứu chân cho con'”, anh Nguyễn Văn Nam (bố Học) nói.

Thế là trong một ngày, anh dìu con trai chân trái đang sưng phồng qua hai bệnh viện, rồi dừng ở Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Người cha ký quyết định mổ thay toàn bộ xương đùi trái, thay vì cắt chân.

Trải qua bao biến cố đời người, anh Nam vẫn không nghĩ có ngày cậu con trai thứ hai của mình rơi vào cảnh này. Học vốn là một thiếu niên mê bóng đá, giỏi đấu vật. Cuối năm lớp 11, cậu từng được một trường thể dục thể thao ở Hà Nội tuyển đi học đấu vật, sau khi giành giải trong một cuộc thi ở địa phương. Anh Nam không đồng ý cho con theo nghiệp thể thao. “Đấu với đá rồi lỡ may gãy tay, gãy chân lại thiệt thân”, ông bố nông dân có làn da ngăm đen gạt phắt đi để con vẫn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhưng tháng 10 ngăm ngoái, khi đang học kỳ 1 lớp 12, chân trái của Học đột nhiên đau nhức, cứ đứng yên một chút đã tê cứng. Anh Nam bán hai con lợn sề và đàn lợn con, vay mượn đưa con lên thẳng một bệnh viện về chấn thương có tiếng ở Hà Nội.

Ở đây, bố con anh Nam như trút được gánh nặng, khi bác sĩ kết luận khối u trong xương của Học là u lành. Sau ca phẫu thuật, Học lại đến trường. Buồn vì không thể ra sân cùng đồng đội mỗi chiều, nhưng cậu tin, mình chỉ cần chờ đợi vài tháng.

Tuy nhiên, qua hai tháng, đầu gối Học đột nhiên sưng to như mũ cối. Hai cha con lại khăn gói ra Hà Nội. Lần này, bác sĩ đưa cho anh Nam tờ kết luận con trai anh bị “u ác tính”. Ngồi không vững, lưng sống lạnh toát, nhưng ông bố vẫn cố giấu con. “Bác sĩ bảo chuyển sang viện K điều trị theo phương pháp mới”, anh bảo với Học.

Vì nói dối, anh Nam không bảo con cạo đầu khi truyền hóa chất. Tóc rụng, nôn thốc nôn tháo, Học mới ôm lấy bố khóc: “Con bị ung thư hả bố?”. Anh Nam chỉ biết quay mặt đi, im lặng.

Những ngày đầu ở viện, Học vẫn bật điện thoại, đeo tai nghe học online. Nhưng những đợt hóa chất truyền vào cơ thể đã đánh gục cậu. “Mắt em mờ đi, mệt mỏi, nên học bữa đực bữa cái”, cậu học trò nói.

Điều khiến Nguyễn Văn Học phiền lòng không chỉ không thể tiếp tục việc học, Em thương bố vì chăm sóc mình, có ngày chỉ ngủ vài tiếng. Lúc em được ra viện sau đợt mổ đầu để về quê, bố lao đi làm thêm nhiều việc nữa để kiếm tiền lo cho em. Từ lúc e ốm đến giờ đã sụt mất hơn 10kg, cậu con trai nói. Ảnh: Phạm Nga,

Điều khiến Nguyễn Văn Học phiền lòng không chỉ không thể tiếp tục việc học, Em thương bố vì chăm sóc mình, có ngày chỉ ngủ vài tiếng. “Lúc em được ra viện sau đợt mổ đầu để về quê, bố lao đi làm thêm nhiều việc nữa để kiếm tiền lo cho em. Từ lúc e ốm đến giờ đã sụt mất hơn 10kg”, cậu con trai nói. Ảnh: Phạm Nga.

Bố Học cũng chạy xe từ nhà ở huyện Gia Bình sang huyện Lương Tài xin hiệu trưởng tạo điều kiện cho con. “Nguyện vọng của cháu là được thi tốt nghiệp THPT. Tôi sẽ động viên cháu cố học, nên mong thầy cô giúp đỡ”, ông bố nói.

Thế nhưng sau đợt hóa trị lần hai, lần ba, Học thôi mở ứng dụng học online. Cậu cũng âm thầm rời khỏi các nhóm chat của lớp. “Kiến thức các bạn trao đổi với nhau, em dần không hiểu gì”, cậu chậm giọng. Vì Covid-19, Học phải tạm dừng điều trị, khiến cái chân càng lúc càng đau. Bỏ ra số tiền dự kiến 600 triệu đồng để thay xương chân cho con là lựa chọn cuối cùng của anh Nam.

Ngày học sinh cả nước làm thủ tục dự thi THPT Quốc gia, bố xách ba lô đưa Học vào viện cứu cái chân trái của con. “Em cũng hồi hộp như bước vào một kỳ thi”, cậu thanh niên có mái tóc mọc lơ thơ sau ba lần hóa trị, nói.

Không chỉ hồi hộp, bố Học còn nhiều nỗi lo khác. Nghe khoản viện phí phải đóng, anh nhìn quanh trong nhà chẳng còn gì để bán. Nhưng thời gian phẫu thuật gấp rút, ông bố phải tính nhanh. Anh quyết định rút sổ đỏ nhà mình và mượn sổ của em trai mang đi “cắm” vay nóng được 150 triệu đồng, tạm đóng cho bệnh viện. Hai năm trước, vợ chồng anh Nam đã phải lo chữa trị cho con trai cả tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Khi con khỏe, có thể đi làm công nhân phụ giúp thì dịch bệnh xuất hiện, thu nhập cũng bấp bênh.

“Tôi mới ứng tạm số đó làm viện phí rồi xin trả theo đợt, mà chưa biết lo đâu ra”, ông bố xoay chặt bàn tay vào nhau, bối rối khi có người nhắc đến viện phí. Thời gian điều trị ở bệnh viện K, cha con anh Nam đa phần sống nhờ cơm từ thiện. Giờ đến đây, con ăn theo suất bệnh viện, anh phải chi thêm 60 nghìn đồng cho hai bữa mỗi ngày.

Tỉnh táo sau phẫu thuật, việc đầu tiên Học làm là căn giờ gọi cho các bạn hỏi thăm chuyện thi cử. Mấy đứa trẻ cười giòn khi nhắc chuyện trường lớp, đề thi. Lũ bạn tránh nhắc đến cái chân đau của Học, chỉ giục “nhanh về để tụ tập”.

“Tiếc nhất là chẳng thi được như bạn bè. Hy vọng sau lần mổ này sẽ ổn, sang năm em thi”, Học nói, như tự trấn an mình.

Cô Nguyễn Thị Ly, chủ nhiệm lớp 12D4 vừa buồn, vừa thương hoàn cảnh của cậu học sinh hiền lành. “Nhiều hôm tôi gọi điện cho phụ huynh, nghe anh tâm sự rồi khóc trong điện thoại mà chỉ biết khóc theo. Đáng lẽ dịp này, tôi phải gọi điện để hỏi Học thi thế nào, giờ lại hỏi xem bệnh tình ra sao”, cô giáo nói. Biết gia cảnh Học khó khăn, cô giáo và các bạn gom góp được gần một triệu đồng giúp đỡ em. Nhưng vì dịch bệnh, số tiền chưa đến tay học sinh.

Ba ngày sau phẫu thuật, Học bắt đầu tập ngồi, tập chống nạng đi như đứa trẻ. Bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng cho biết, ca phẫu thuật của cậu rất thành công. “Chỉ cần cần đáp ứng tốt hóa chất trong quá trình điều trị tiếp theo, bệnh nhân sẽ có thể phục hồi, đi lại bình thường”, bác sĩ Sáng nói.

Sau tất cả, bố con anh Nam đều thấy gia đình mình may mắn, khi Học phẫu thuật năm 18 tuổi. “Bác sĩ nói nếu phẫu thuật năm 15 tuổi thì đến 18 tuổi lại phải thay xương lần nữa. Rơi vào cảnh ấy, nhà tôi chẳng biết lấy sổ đỏ ở đâu ra mà cắm”, ông bố có bốn sào ruộng, nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.

Phạm Nga

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here