Mùa hè sau cánh cổng

0
346

[ad_1]

Hồi trẻ,​ tôi đã chơi rất nhiều và cảm thấy phẫn nộ với cả thế giới vì giờ chơi cuối cùng cũng kết thúc.

Tôi nhớ, năm đứa nhóc mới lên mười chúng tôi lẻn xuống con đường rừng, chạy hai km từ nhà tôi hướng tới nhà cô bé xinh đẹp nhất trong lớp tiểu học. Con đường xuyên rừng già chỉ đủ rộng để cưỡi ngựa hoặc đi bộ nối liền những ngôi nhà trong thị trấn.

Khi đến ngôi nhà gạch đỏ của cô ấy, được bao quanh bởi rừng và vườn cây, chúng tôi bàn kế hoạch tấn công. Một cuộc đột kích bằng táo chua ném vào nhà để cô bạn ra ngoài và trở thành tù nhân của chúng tôi. Năm đứa con trai hào hứng đến gần bức tường rào, đột nhiên, cơn mưa táo chua ném tới tấp vào mặt. Tất cả chàng trai lại hì hục chạy hai km về nhà tôi để “rút lui”.

Chắc chắn ai đó đã “làm đổ đậu”, tức làm lộ kế hoạch. Tôi rút ra bài học: con gái xinh có quyền và có thể điều khiển con trai. Rebecca và cô bạn khác đã biết chúng tôi đang đến, họ ẩn trong đám cỏ dài, tấn công trước. Hôm sau tới lớp, cô bé đắc thắng “các cậu chicken lắm” – gọi một người là “gà” tức chê họ hèn, vì chúng tôi đã tháo chạy.

Tệ hơn, một cậu bạn, có lẽ vì cảm động với gái xinh, còn tiết lộ bí mật là tôi thích cô ấy. Lúc tôi biết rằng cả trường tiểu học khoảng 100 học sinh biết chuyện, tôi đã khóc rống lên trong lớp. Cô giáo hỏi bị sao. “Cậu ấy nói với Rebecca rằng em yêu cô ấy”, tôi càng khóc to hơn.

Cô giáo quay lại giảng bài. Tôi cảm thấy tổn thương, không muốn đi học nữa. Nhưng rất tiếc, bố mẹ không đồng ý.

Và còn nhiều ví dụ nữa. Giờ đây tôi là người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, gần đây hay suy ngẫm, liệu tôi đã chơi quá nhiều? Những kỷ niệm lớn nhất trong đời, những bài học quan trọng nhất của tuổi thơ tôi là chơi và nghịch.

Đại dịch len lỏi tấn công chúng ta, ăn mòn tiền tiết kiệm, phá hủy công việc của chúng ta. Việc tôi nghĩ tới: trẻ em và học sinh Việt Nam đã nghỉ học, sẽ ở nhà chưa biết tới bao giờ. Điều đó tốt cho các bạn nhỏ nếu được chơi.

Theo nhà tâm lý học Jordan Peterson, não của động vật có vú gồm các “mạch chơi” được thiết lập bên trong. Chơi là một nhu cầu phát triển thần kinh cần thiết. Nếu không có nó, tư duy trẻ em sẽ rời rạc và không thể tham gia các tương tác xã hội phức tạp – tương tác xã hội cũng là một loại trò chơi. Nếu bạn không cho chúng chơi, vỏ não trước trán – nơi lập kế hoạch và suy nghĩ – sẽ không phát triển đúng cách.

Năm thứ hai sống ở Việt Nam, tôi có dịp được về quê bạn ở Cà Mau ăn Tết. Tôi cảm nhận được độ “chịu chơi” và giao lưu rất hay của người miền Tây. Tôi gọi họ là “dân chơi chuyên nghiệp”. Tất cả mọi việc đều có thể biến thành vui đùa, mọi người dành rất nhiều thời gian để “chơi”, giao tiếp, trò chuyện. Với nhiều độc giả, quá “ham chơi” nghe có vẻ kỳ cục, nhưng đó thực sự là kỹ năng quan trọng nhất để có một cuộc sống hạnh phúc.

Chơi giúp trẻ kết bạn. Kết bạn là kỹ năng cần học. Vì nếu mọi người thích bạn, họ sẽ mời bạn chơi cùng nữa. Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản đang cướp đi những món quà tự nhiên của trẻ con.

Internet và các điểm số giáo dục đang lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ. Tôi đã chứng kiến những cha mẹ ép con học đến kiệt sức khi còn là giáo viên dạy tiếng Anh ở quận 7. Đã nghe từ người khác kêu ca rằng cha mẹ Việt Nam ép con cái học, bỏ mặc con với điện thoại, tivi và không tận dụng thời gian cho chúng chơi.

Mùa hè giãn cách này, hầu hết trẻ em Việt Nam sẽ ở trong nhà, khả năng bị nghiện xem tivi, điện thoại, game rất cao. Lúc tôi còn nhỏ, tôi nghiện việc đọc sách, nói chuyện với cha mẹ, bạn bè và chơi với thiên nhiên. Mùa hè này đòi hỏi nỗ lực to lớn để trẻ con Việt Nam không nhìn vào các loại màn hình.

Có lẽ nhiều bố mẹ cũng đã quên cách chơi với con của họ, nói chuyện với con, suy nghĩ cách nào dành sự có mặt cho con thay vì để mặc con online. Có rất rất nhiều trò chơi thú vị trong nhà như cờ vua, cờ tướng, đọc sách, nấu ăn, âm nhạc, vẽ, tư duy… chỉ cần giới thiệu một cách hấp dẫn dựa trên sở thích của con, làm chúng thấy tò mò và muốn thử.

Tôi đã thách thức bạn bè không dùng điện thoại thông minh, cười lớn hơn, chia sẻ nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng ta có thể bắt đầu một lối sống mới, làm việc tại nhà, giáo dục con cái kết hợp vui chơi tại chỗ. Trong sự thay đổi này, chúng ta tận hưởng những gì đang làm chứ không còn bị kiệt sức bởi công việc mà ta không ưa.

Giáo dục tại nhà kết hợp kiến thức và sự quan tâm, để chúng ta có thể gửi con mình lên con thuyền hướng tới tương lai. Giãn cách tại nhà là cơ hội để người lớn và bọn trẻ đều được chơi. Chơi thật nhiều trước khi ngày nào đó chúng nhận ra, mình không còn cơ hội để chơi nữa.

Đó là khi những cơn bão của cuộc đời kéo đến, đứa trẻ nhận ra rằng tuổi thơ thực sự qua mất rồi.

Jesse Peterson

(Nguyên tác tiếng Việt)

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here