Sinh viên Bách khoa Hà Nội sáng chế áo làm mát cho y bác sĩ

0
297

[ad_1]

Cuối tháng 5, thấy hình ảnh y bác sĩ kiệt sức do nắng nóng khi tham gia chống Covid-19, Hảo cùng hai người bạn nghĩ “Tại sao không tạo ra thiết bị giúp họ”?

Mặc thử chiếc áo làm mát do chính nhóm mình sáng chế, Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh, sinh viên năm tư Viện Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội) không giấu được niềm vui. Sau một tuần lên ý tưởng và thực hiện, nhóm đã hoàn thành sản phẩm đầu tiên, đầy đủ tiêu chí để đưa vào sử dụng.

“Với chiếc áo làm mát này, em tin những người phải mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng sẽ bớt bị phồng rộp tay hay ngất vì kiệt sức”, Hảo nói.

Hương Hảo trong chiếc áo làm mát do nhóm sáng chế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hương Hảo trong chiếc áo làm mát do nhóm sáng chế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hảo kể cuối tháng 5, khi thấy hình ảnh y bác sĩ, cả sinh viên Y Dược bị ngất, nằm dài trên nền đất do phải mặc đồ bảo hộ quá lâu trong tiết trời nắng nóng, em và các bạn đã rất xúc động, nung nấu mong muốn giúp đỡ.

Từng cùng Giỏi và Linh chế tạo mũ bảo hiểm chống nóng, lại được sự cố vấn của PGS Vũ Đình Tiến, bộ môn Máy và Thiết bị công nghiệp hóa chất, nhóm quyết định nghiên cứu giải pháp chống nóng cho y bác sĩ. Ngay lập tức, ý tưởng về chiếc áo làm mát đến và cả nhóm quyết định cùng đi theo hướng này.

Khảo sát thị trường, nhóm Hảo nhận thấy có nhiều sản phẩm áo làm mát. Tuy nhiên, các loại đó có nhiều nhược điểm, chẳng hạn thời gian làm mát chỉ từ 4 đến 6 tiếng, giá thành lại rất cao, thấp nhất cũng khoảng 2 triệu đồng, lại mất thời gian chờ đợi do phải nhập từ nước ngoài về. “Nhóm em cũng đã đặt một chiếc để test đồng thời với sản phẩm của nhóm khi hoàn thiện. Phải mất khoảng một tuần, chúng em mới nhận được hàng”, Hảo dẫn chứng.

Từ những khảo sát trên, nhóm Hảo đã nghĩ đến sáng chế áo làm mát theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh với giá chỉ trên dưới 500.000 đồng, thời gian làm mát lâu hơn và trọng lượng chỉ 1-1,3 kg.

Nhóm nhanh chóng thống nhất cấu tạo chiếc áo cũng như nguyên lý hoạt động nhờ kiến thức đã được học ở trường. Tuy nhiên, do thực hiện sản phẩm trong thời điểm nghỉ phòng dịch, nhóm gặp khó khăn trong việc đặt may áo.

Liên hệ nhiều cơ sở may nhưng đều bị từ chối, Hảo đã nghĩ không thể hoàn thành sản phẩm trong thời gian ngắn. Rất may sau đó, nhóm chia sẻ thông tin và nhận được sự hỗ trợ của PGS Lã Thị Ngọc Anh, nguyên trưởng Bộ môn May và Thời trang, Viện Dệt may Da giầy và Thời trang. Cô đã thiết kế chiếc áo dựa trên ý tưởng của nhóm, góp ý và chỉnh sửa thêm, hoàn thành chưa tới một ngày.

Sinh viên Bách khoa sáng chế áo làm mát hỗ trợ y bác sĩ

Nhóm giới thiệu về sản phẩm áo làm mát. Video: Nhân vật cung cấp.

Áo do nhóm Hảo sáng chế gồm 4 lớp, trong đó một lớp là ống mềm để làm mát. Nước trong ống mềm đi qua một bình đựng đá, đặt trong balo dây rút đeo phía sau lưng. Bình này kèm một chiếc bơm, sau khi nước được làm mát, bơm sẽ đẩy nước vào hệ thống ống mềm trong áo. Nước này sau đó lại được đẩy trở lại bình đựng đá, tuần hoàn liên tục như vậy giúp làm mát cơ thể. Người dùng cũng có thể điều chỉnh nhiệt độ làm mát bằng cách điều chỉnh bơm.

Qua thử nghiệm, nhóm Hảo nhận thấy chỉ cần bỏ vào bình đựng đá (được bọc trong lớp cách nhiệt) khoảng 300 gram đá cùng khoảng 300-400 ml nước, duy trì nhiệt độ làm mát 26-27 độ C – mức cơ thể có thể thích nghi và không bị sốc nhiệt, áo có thể giúp làm mát trong 2-4 tiếng. Để đạt hiệu quả cao nhất, cứ sau mỗi hai tiếng, người dùng lại tiếp thêm đá vào bình đựng.

“Với cách thức như vậy, các y bác sĩ sẽ mặc áo làm mát bên trong, sau đó mặc áo bảo hộ bên ngoài rồi đeo balo. Việc tiếp đá hoặc nước vào bình đựng sẽ không cần cởi áo làm mát hay đồ bảo hộ nên rất thuận tiện. Balo cũng nhỏ gọn nên không bị vương víu, ảnh hưởng đến quá trình làm việc”, Hảo chia sẻ.

Để bơm hoạt động, người sử dụng áo chỉ cần có cục sạc dự phòng của điện thoại nên cũng rất thuận tiện. Cục sạc này được để trong ngăn riêng, tách biệt với bình đá nên đảm bảo an toàn.

Y bác sĩ có thể sử dụng áo làm mát một cách thuận tiện với lớp áo mặc trong đồ bảo hộ và balo đeo bên ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Y bác sĩ có thể sử dụng áo làm mát một cách thuận tiện với lớp áo mặc trong đồ bảo hộ và balo đeo bên ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện, chiếc áo làm mát của nhóm Hảo đã có thể sử dụng. Tuy nhiên, nhóm vẫn muốn cải tiến thêm, tạo ra sản phẩm hoàn hảo hơn, trong đó có việc làm lại balo đựng bình nước sao cho nhỏ gọn, tiện lợi hơn hoặc có thể gắn liền với áo sao cho vẫn dễ dàng tiếp đá và nước. Nhóm cũng muốn nghiên cứu thêm để giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người dùng trong quá trình làm việc và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

“Chúng em cần thời gian để làm điều đó. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, chúng em mong muốn các đơn vị có thể tài trợ để sản xuất sản phẩm này, hỗ trợ y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch”, nữ sinh nói.

Không chỉ hỗ trợ các bác sĩ trong đợt dịch, nhóm của Hảo cho rằng sản phẩm áo làm mát còn hữu ích với người lao động thường xuyên ở ngoài trời như công nhân làm việc tại công trường, người điều khiển xe máy ngoài đường cả ngày.

Từ ngày 27/4, cả nước ghi nhận hơn 6.000 ca Covid-19, trong đó Bắc Giang nhiều nhất với hơn 3.300 ca, Bắc Ninh hơn 1.100 ca. Hàng nghìn giảng viên, sinh viên các trường Y Dược phía bắc đã chi viện cho hai tỉnh này. Sinh viên các trường khác cũng hỗ trợ phòng chống dịch bằng cách làm mũ chắn giọt bắn, kêu gọi quyên góp phòng chống dịch.

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here