Tình yêu trên bản Mông của cặp đôi cùng ngày tháng năm sinh

0
324

[ad_1]

Sơn LaThương cô giáo trẻ nhận điều động đi cắm bản xa, thầy Cường nhận lời đưa đi. Chuyến đi đó đã kết duyên cho hai thầy cô gieo chữ ở vùng biên giới huyện Sông Mã.

Để đi từ điểm trường trung tâm về một số điểm lẻ của trường Tiểu học Mường Cai (xã Mường Cai, huyện Sông Mã), những chiếc xe máy phải băng qua những con suối lổn nhổn sỏi đá và những con dốc đất xói sâu thành hố, chỉ còn lại duy nhất một lối đi vừa bánh xe máy, kéo dài suốt hai chục cây số. Đó cũng là nơi khởi phát câu chuyện tình yêu của thầy Vũ Văn Cường và cô Nguyễn Thị Thu Huyền – cặp vợ chồng nên duyên từ chính những con đường này.

Tình yêu trên bản Mông của cặp đôi cùng ngày tháng năm sinh

Con đường đất lên điểm trường Huổi Hưa (Mường Cai). Vào mùa mưa, các thầy cô không thể tự đi một mình lên trường. Video: Phan Dương.

Hơn hai mươi năm trước, họ là những chàng trai cô gái 18 tuổi, cùng học xong lớp trung cấp tiểu học về nhận công tác tại xã vùng biên. Cùng khóa có 7 người, 4 nữ, 3 nam. Năm đầu các cô giáo được ưu tiên dạy vùng thấp, các thầy vào bản xa. Cường và Huyền thi thoảng gặp nhau trong những buổi giao ban hay cuối tuần băng đèo, vượt suốt về với gia đình. “Hồi ấy, mỗi ngày Chủ nhật chúng mình và các bạn đồng nghiệp đạp xe hơn 20 cây số đến trường, rồi đi bộ thêm nửa ngày nữa vào điểm lẻ. Đường gập ghềnh, bụng đói, trời tối, chúng mình cứ đua nhau mà đi”, cô Huyền, 39 tuổi, hồi tưởng

Bước sang năm hai, cô Huyền và thầy Cường vô tình được phân công dạy ở hai bản cách nhau chừng hai cây số. Vì điểm trường chỉ có một mình nên thầy Cường hay chạy thể dục ra trường ngoài chơi với các cô đồng nghiệp.

Một ngày, Huyền chia sẻ trong nỗi lo lắng: “Năm tới tớ đi Mèo (bản Huổi Khe)”. Cường liền đáp: “Lo gì, tớ đưa đi”. Câu chuyện trong một chiều sương lại giống như một lời hẹn ước, chẳng biết tự lúc nào len lỏi vào tâm hồn cả hai, khiến họ chú ý tới người kia hơn những đồng nghiệp khác. Để chuẩn bị cho cô bạn, thầy Cường ngày ngày truyền lại kinh nghiệm và dạy một số câu tiếng Mông để cô giáo trẻ có thể giao tiếp với người dân và lũ trẻ.

Điểm trường Huổi Khe khoảng chục năm về trước. Lớp học ngày đó là mái tranh và mái fibro xi măng, nền đất. Hiện tại, điểm trường đã có phòng cho học sinh, nhưng vẫn chưa có nhà giáo viên, nên các thầy phải ở nhờ nhà dân. Ảnh: Thanh Huyền.

Điểm trường Huổi Khe khoảng chục năm về trước. Lớp học ngày đó là mái tranh và mái fibro xi măng, nền đất. Hiện tại, điểm trường đã có phòng cho học sinh, nhưng vẫn chưa có nhà giáo viên, nên các thầy phải ở nhờ nhà dân. Ảnh: Thanh Huyền.

Trước mùa tựu trường năm 2002, cô Huyền vào bản sớm một tuần để làm quen. Thầy Cường lúc này đã mua được một chiếc xe máy liền xung phong chở cô gái mình thích, còn một thầy khác trong trường chở theo hòm quần áo. Quãng đường 18 cây số, trời mưa đi mất cả nửa ngày. Lúc về các thầy phải quấn lốp mới xuống được núi.

Tiễn hai đồng nghiệp, cô Huyền bỗng thấy sợ và tủi thân. Đây là năm đầy tiên điểm trường có giáo viên nữ. Xung quanh không quen ai, không biết tiếng, cũng chẳng có điện nước, xa nhà dân. Đường về xa xôi, biết lúc nào mới gặp được gia đình, đồng nghiệp. Càng nghĩ Huyền càng lo lắng rồi òa khóc, rồi cuối cùng… ngất xỉu.

Lúc thầy Cường nghe được tin là chiều tối. Anh nôn nóng cả đêm nên sáng sớm hôm sau liền chạy xe lên. Huyền ngồi trước cửa đã thấy bóng hình quen thuộc từ xa, chưa bao giờ cô thấy “lòng mình vui và bất ngờ tới thế”. Chuyến này lên, thầy Cường xin kéo điện từ một nhà dân về khu nhà của giáo viên cho Huyền bớt cực. Với những thầy giáo cắm bản như anh, việc mắc điện đã khá quen tay nhưng đúng hôm đó, anh lần đầu tiên bị điện giật. Tụi nhỏ thấy thầy giáo ngất liền hô hoán người lớn, một nhóm chạy lên trường kéo tay cô giáo. Xuống tới nơi Huyền thấy anh nằm dưới đất, dân bản quây quanh. Huyền hoảng hồn, khóc “như muốn sập nhà”. Sau sự việc, chàng trai và cô gái bày tỏ lòng mình với nhau.

Cũng từ lúc đó, cô Huyền cũng không còn thấy xa lạ nữa với dân bản nữa. Cứ chiều chiều hết việc, mấy thầy cô giáo lại kéo nhau qua nhà dân trò chuyện. Người dân và học sinh ở bản Huổi Khe cũng ngày càng quý cô giáo. Đi rẫy về là họ tặng bó rau, bó củi, nhà nào cá tát ao hay có thịt thú rừng đều dành phần lên trường. Trong bản có cửa hàng nhưng cô giáo đi mua thì không ai chịu bán mà toàn cho. “Cái bụng của người Mông tốt lắm. Một năm dạy ở đây, tôi được nuôi hoàn toàn”, cô Huyền chia sẻ.

Cô giáo trẻ thích nghi được cuộc sống trên bản, chỉ có con đường về nhà thì vẫn là “khó khăn đi cùng năm tháng”. Đường ngày ấy chỉ là lối mòn nhỏ, rộng chưa đến một mét, hai bên là cây rừng áp vào. Mùa mưa xói mòn, sạt lở ngăn cách, mùa đông thì trơn, liên tục “vồ ếch”.

Có lần mưa lớn sạt lở, thầy Cường phải vứt xe giữa đường, hộ tống bạn gái lên. Tới nơi là 10h đêm, bốn bề tối om, củi ướt không nhóm nổi bếp, họ đành dắt nhau vào một nhà dân xin ngủ nhờ, được gia chủ tiếp tế bát cơm và canh rau cải tóp mỡ chống đói. Hôm sau 4h sáng, thầy đã phải xuống núi cho kịp giờ dạy. Lần khác, xe đi qua đoạn đường xấu bị ngã, cô Huyền bị cây gai đâm vào mắt, khi chỉ còn 10 ngày nữa là tới đám cưới.

“Thương nhau, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng. Ở thời ấy, ai cũng khó khăn như thế cả”, thầy Cường nói.

Anh Cường và chị Huyền đã nên duyên vợ chồng vì thương nhau khi đi làm giáo viên cắm bản. Ảnh: Phan Dương.

Anh Cường và chị Huyền đã nên duyên vợ chồng từ tình thương yêu nhau khi đi làm giáo viên cắm bản. Ảnh: Phan Dương.

Tháng 3/2003, hai thầy cô tổ chức đám cưới. Lúc này cô Huyền mang bầu, vẫn tiếp tục bám bản. Thầy Cường lên với vợ vào thứ Tư và Sáu hàng tuần, đồng nghĩa đi lại vất vả hơn. Từ năm học sau, chị Huyền được chuyển xuống dạy điểm trung tâm để tiện chăm con nhỏ. Anh Cường vẫn đi dạy ở các bản cao. Đến năm thứ năm sau khi kết hôn, họ được về công tác ở cùng một nơi.

Ngồi ôn lại kỷ niệm, cặp vợ chồng cho biết giữa họ có rất nhiều cái duyên. Thời mới mến nhau, hai người đi lấy thông tin trên bản Huổi Khe, lúc về qua một con đường rậm rạp thì bị một đám người bắt lại làm lễ cúng ma và bắt làm cha mẹ nuôi cho con trai họ theo tục lệ của người Mông. Huyền và Cường đã cùng làm lễ, cùng ăn hết một con gà và cùng đeo dây chỉ nhận cậu bé làm con.

Thú vị nữa, vài năm trước các đồng nghiệp phát hiện ngày sinh trên giấy tờ của chị Huyền được tính theo lịch âm là 5/2/1982 tương đương 28/2 dương lịch. Trùng hợp đây là ngày tháng năm sinh của thầy Cường. Kể từ đó, câu chuyện cặp vợ chồng cùng ngày tháng năm sinh được truyền tai nhau khắp ngành giáo dục huyện Sông Mã.

Thầy Cường và cô Huyền đã nên duyên với nhau từ khi làm giáo viên cắm bản

Thầy Cường và cô Huyền trong đám cưới năm 2003 và sinh nhật cùng nhau mới đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Điểm trường Huổi Khe – nơi hai người từng cắm bản năm xưa – hiện có 5 phòng học cấp 4 cho học sinh, nhưng không có nhà giáo viên. Các thầy cắm bản phải ở nhờ nhà dân. Vì vợ từng ở Huổi Khe nên thầy Cường thấu hiểu các giáo viên nữ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nam giới. Vài năm gần đây anh đã không phân các cô giáo đến điểm này.

“Tuy nhiên một số giáo viên nam chia sẻ họ cũng có vợ con, gia đình cũng cần bàn tay người đàn ông. Tôi cũng hiểu nỗi khổ này, nên đang hứa khi điểm trường được xây mới, có phòng kiên cố cho giáo viên thì sẽ luân phiên thầy và cô”, thầy Cường chia sẻ.

Để giáo viên và học sinh ở vùng sâu, xa có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp với mục tiêu xây mới ít nhất 4 điểm trường ở các xã khó khăn tại huyện Sông Mã, Sơn La.

Mỗi sự chung tay của độc giả sẽ góp thêm một viên gạch xây nên những ngôi trường mới. Mọi ủng hộ xin gửi về chương trìnhtại đây.

Phan Dương

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here