Chàng trai hai lần phá sản trả ơn cuộc đời

0
265

[ad_1]

Đăk LăkNăm 28 tuổi, làm ăn thua lỗ, anh Phan Hoài Nghĩa từ quê ở Bình Định về Đăk Lăk kiếm sống, trong túi chỉ có vài bộ quần áo với 800 nghìn đồng.

Hơn mười năm mưu sinh ở đây, Nghĩa có nhà, có xe và có thêm mong muốn cảm ơn mảnh đất Tây Nguyên đã cưu mang mình. “Nơi này tuy nhỏ bé nhưng quy tụ dân ở khắp mọi miền đến sống. Cũng vì vậy mà mọi người biết giúp đỡ và san sẻ cho nhau khi khó khăn”, anh Nghĩa, 39 tuổi, nói.

Tuy nhiên, anh chỉ thực sự tìm ra cách đền đáp quê hương thứ hai, vào cuối năm 2019, khi đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk thăm bạn. Đến sảnh bệnh viện, nghe tiếng khóc quanh một hài nhi, người đàn ông gốc Bình Định dừng chân. Người lạ đứng cạnh anh Nghĩa thở dài: “Tội nghiệp họ, con mất mà không có nổi tiền thuê xe đưa về”. Nghe vậy, anh Nghĩa bước tới, đề nghị: “Để tui giúp”. Sau cái gật đầu của gia đình đứa trẻ xấu số, anh đưa họ về nhà, cách đó 60 km.

Trời nhập nhoạng là lúc chiếc xe của anh Nghĩa dừng trước cửa ngôi nhà quây ván. Ở đó, đồng bào người Ê đê đã đến rất đông, đón đứa trẻ. Cùng họ đưa thằng bé vào trong, anh Nghĩa mới thấy ngôi nhà trống hoác, chỉ có manh chiếu trải xuống nền.

“Từ lúc lên xe đến lúc tôi về, họ đều im lặng vì quá đau buồn. Tôi nói vài lời động viên với gia đình mà cứ thấy nó thừa thãi. Tôi nghĩ nên làm gì đó thiết thực hơn”, người đàn ông làm môi giới bất động sản và đồ gỗ mỹ nghệ, nghĩ ngợi. Sau hôm đó, anh quyết định mua một chiếc xe, chở bệnh nhân nghèo miễn phí.

Cầm chìa khóa xe trên tay, anh lên mạng xã hội đăng tin: “Mình nhận đón gia đình và các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện ở trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột xuất viện mà không có xe về các huyện lân cận, bán kính 200 km. Từ Đắk Lắk, mình đi về trong ngày. Xăng mình đổ, phí đường bộ cao tốc mình trả, xe trang bị nước rửa tay và khẩu trang, kính bảo hộ cho gia đình và các em yên tâm. Dọc đường, cảnh sát giao thông bắt thì mình đóng phạt. Mình sẽ đón tại cổng bệnh viện và chở về nhà rồi chia tay, không cần phải lo nghĩ gì hết”.

Anh chủ xe viết thêm số điện thoại, tên, tuổi, để người gọi tiện xưng hô.

Chuyến xe 0 đồng của anh Phan Hoài Nghĩa chở được một trẻ em và 3 người lớn, trong bán kính 200km quanh Đăk Lăk. Thi thoảng, vì đường dài, anh nhờ thêm bạn bè làm phụ lái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chuyến xe 0 đồng của anh Phan Hoài Nghĩa chở được một trẻ em và 3 người lớn, trong bán kính 200km quanh Đăk Lăk. Thi thoảng, vì đường dài, anh nhờ thêm bạn bè làm phụ lái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Để hiểu về sự biết ơn mảnh đất này của Nghĩa, cần quay lại 12 năm trước, thời điểm anh từng là một tay chơi cây cảnh có tiếng ở Bình Định. Anh mua cây cảnh giá rẻ về tạo dáng bonsai rồi bán lại. Những năm 2000, Nghĩa mua cây giá năm triệu đồng, bán lại vài chục triệu. Nhưng chưa đầy chục năm, giá cây cảnh lao dốc. Khu vườn hàng nghìn cây bán với giá “rẻ như cho”. Người con trai duy nhất trong gia đình nông dân phải bán nhà, vay mượn khắp nơi để trả nợ.

Chán nản, Phan Hoài Nghĩa vào Đăk Lắk tìm kế mưu sinh. Anh được một chủ nhà vườn thuê tạo bonsai cây cảnh trong 10 ngày, trả công 10 triệu đồng. Với số vốn ban đầu, Nghĩa tái khởi nghiệp với nghề buôn cây cảnh ở đất Tây Nguyên. Anh thuê một mảnh đất ở mặt phố Buôn Mê Thuột kinh doanh. Giá mặt bằng khi đó hơn 10 triệu đồng, nhưng được người đồng hương giúp đỡ, chỉ phải bỏ ra hai triệu đồng.

Việc làm ăn thuận lợi giúp Nghĩa trả được nợ ở quê nhà. Nhưng chỉ hai năm sau, bi kịch bể nợ lại tái diễn khi giá cây lại lao dốc. “Tổng giá trị vườn cây khi chưa mất giá là hơn một tỷ đồng, nhưng lúc tôi bán chỉ được hơn 300 triệu đồng”, anh kể.

Tay trắng, nhưng nhờ bạn bè, đồng hương giúp đỡ, anh vay được vốn để xoay sang nghề cầm đồ, buôn bán bất động sản và làm gỗ mỹ nghệ. Anh Nghĩa hiện tại là chủ của ba ngôi nhà ở Buôn Mê Thuột. Ngoài chiếc xe để đi lại, anh đầu tư 700 triệu đồng, mua một chiếc xe, dán dòng chữ “Chuyến xe 0 đồng cho bệnh nhân nghèo và khó khăn, cho đồng bào dân tộc”.

“Tôi muốn cảm ơn mảnh đất này đã tái sinh mình, cho tôi cuộc sống như bây giờ”, anh nói.

Một phụ nữ ở huyện Krông Bông có con gái 11 tháng tuổi bị bại não được anh Nghĩa đưa về, hôm 19/6. Đứa trẻ phát hiện bị bệnh từ khi mới sinh ra, cứ cách tuần hoặc theo tháng lại phải vào viện. Được một người nhà bệnh nhân cùng điều trị giới thiệu, mẹ bé gọi cho anh Nghĩa. Lần sau phải vào viện thì gọi anh đón, anh tài xế dặn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một phụ nữ ở huyện Krông Bông có con gái 11 tháng tuổi bị bại não được anh Nghĩa đưa về, hôm 19/6. Đứa trẻ phát hiện bị bệnh từ khi mới sinh ra, cứ cách tuần hoặc theo tháng lại phải vào viện. Được một người nhà bệnh nhân cùng điều trị giới thiệu, mẹ bé gọi cho anh Nghĩa. “Lần sau phải vào viện thì gọi anh đón”, anh tài xế dặn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ khi làm tài xế xe 0 đồng, Nghĩa cầm vô lăng chẳng kể ngày đêm. Mười ngày trước, anh nhận được một cuộc gọi của cô gái từ Nha Trang, nhờ đón từ Buôn Mê Thuột về Đăk Nông – nơi em gái cô mất vì đuối nước. Người đàn ông đang làm nhiều công việc một lúc chần chừ vì nhận lời, anh sẽ phải chạy xe xuyên đêm. Nhưng nghĩ “người ta khó mới gọi cho mình”, anh tài xế lên đường. Hành trình hai chiều dài gần 300 km. Trở về lúc nửa đêm, Nghĩa phải tấp vào lề đường trên đỉnh đèo chợp mắt.

Lái xe nhiều năm, vượt những cung đường bùn lầy ở các buôn làng xa xôi không làm khó được anh Nghĩa. Nhưng mỗi lần chở một bệnh nhân về nhà, thấy họ khá giả, anh buồn và tiếc vì những người này đã cướp mất một cơ hội của người khác. “Có những gia đình khi tôi đưa về mới biết họ có cùng lúc hai căn nhà hai tầng. Gặp phải tình huống như vậy, tôi chỉ biết tự động viên mình làm việc thiện thì không so đo, coi như giúp đỡ người hỏng xe dọc đường”, anh nói.

Hơn một năm nay, chiếc xe 0 đồng của anh đã đi qua hàng trăm con đường đất đỏ hai bên bạt ngàn cà phê. Có dạo, người đàn ông độc thân này chạy một ngày ba chuyến, có khi ba ngày một chuyến.

Anh đã đưa và đón bệnh nhân đi về khoảng hơn 300 chuyến. Xe 0 đồng của Nghĩa không ít lần bị cảnh sát giao thông thổi còi vì “chạy quá tốc độ”. Khi anh giải thích mục đích chuyến đi, cảnh sát nhắc “điều chỉnh tốc độ” rồi cho đi. Nhiều cây xăng quanh thành phố đề nghị tài trợ xăng miễn phí, nhưng anh tài xế từ chối: “Tui đủ sức lo, khi nào thiếu mới nhờ”.

Cách chàng trai hai lần bể nợ cảm ơn đời

Anh Nghĩa chở người bệnh về nhà, đích thân đưa vào nhà, khi người thân không đủ sức bế vào. Video: Nhân vật cung cấp.

Anh Nghĩa không bao giờ lưu số những người mình giúp đỡ, vì quá nhiều. Nhưng y tá, bác sĩ và người nhà bệnh nhân thường chia sẻ số điện thoại của anh cho nhau.

Đinh Thị Hoài, 23 tuổi, lưu số anh Nghĩa ở điện thoại và kết bạn trên zalo, phòng mất số. Cô gái có cháu ruột bị tim bẩm sinh, bệnh phổi… đã phải gọi anh Nghĩa bốn lần để cùng anh trai và chị dâu đưa cháu đến viện rồi về nhà. Hơn một năm trước, anh chị Hoài mất đứa con đầu cũng vì tim bẩm sinh. Chị dâu cô chỉ ở nhà chăm con ốm, tiền chữa bệnh, sinh hoạt hàng ngày đều do một tay anh trai Hoài, đang làm thuê ở lâm trường xoay sở.

Chặng đường từ nhà Hoài ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp đến bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên gần 100 km. Lần nào gọi điện, anh Nghĩa cũng đến đúng giờ Hoài dặn.

“Anh nói bất kỳ giờ nào gia đình cần cứ gọi cho anh. Nhà tôi cũng muốn phụ với anh chút tiền xăng xe, nhưng anh không nhận. Tuy là xe miễn phí nhưng anh nói chuyện lịch sự, tình cảm, không làm chúng tôi có cảm giác mang ơn. Anh hỏi thăm hoàn cảnh chứ chẳng bao giờ hỏi tên”, cô gái gốc Quảng Bình, nói.

Ngoài chuyến xe 0 đồng, anh Nghĩa cũng lên mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ các trường hợp khó khăn mà mình biết. Vài năm trước, chàng trai quê đất võ bắt đầu cùng với vài người bạn xây nghĩa trang cho các hài nhi xấu số ở Tây Nguyên.

Anh Nghĩa không định lập gia đình vì không muốn ai phải bận lòng trên những “hành trình 0 đồng” có khi xuyên ngày đêm của mình.

Phạm Nga

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here