Ngành bán lẻ – Quản lý rủi ro trong chuyển đổi số để phát triển bền vững

0
472

Miki Kenichiro – Willis Towers Watson, Giám đốc Khu vực thị trường Nhật Bản, Willis Towers Watson Châu Á – Thái Bình Dương và ông Philippe Robineau, Tổng Giám đốc Willis Towers Watson Việt Nam, trao đổi với ông Furusawa Yasuyuki – Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam.

Ông Furusawa Yasuyuki – Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều người Việt ưa dùng các nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán trực tuyến. Vào năm 2020, Việt Nam đã công bố Lộ trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào ba trụ cột: chính phủ điện tử, kinh tế điện tử và xã hội điện tử.

Chuyển đổi số có tiềm năng to lớn đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt các doanh nghiệp vào thử thách, đặc biệt là về rủi ro an ninh mạng. Bảo mật dần trở thành một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp bất kể quy mô hoạt động. Đại dịch Covid-19 đã tạo thêm nhiều thách thức cho doanh nghiệp qua việc bắt buộc chuyển đổi sang làm việc từ xa và làm việc hỗn hợp (hybrid).

Để thảo luận về một số thách thức mà lĩnh vực bán lẻ phải đối mặt, ông Miki Kenichiro – Giám đốc khu vực, Willis Towers Watson Châu Á Thái Bình Dương và ông Philippe Robineau, Tổng Giám đốc Willis Towers Watson Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Furusawa Yasuyuki – Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam.

Những thách thức hàng đầu mà ngành bán lẻ ở Việt Nam phải đối mặt sau cuộc khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19 là gì?

Ông Furusawa Yasuyuki: Vấn đề chuỗi cung ứng là thách thức lớn nhất, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn với khâu cung ứng sản phẩm vì những gián đoạn trong khâu vận chuyển và đặc biệt là thiếu tài xế giao hàng. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, một mặt, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể; mặt khác, việc quản lý hậu cần và chuỗi cung ứng ngày càng trở nên khó khăn.

AEON là một trong những doanh nghiệp lớn trong thị trường bán lẻ và chúng tôi có thể quản lý để vượt qua khó khăn này trong suốt cuộc khủng hoảng. Nhưng với các nhà bán lẻ vừa và nhỏ đây là vấn đề nghiêm trọng trong khi thương mại điện tử đang chiếm thị phần ngày càng tăng. Sự thay đổi này phải đi kèm với sự điều chỉnh nhanh chóng về mặt quản lý và pháp lý.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động đến bối cảnh rủi ro đối với ngành bán lẻ của Việt Nam như thế nào và điều đó có khả năng ảnh hưởng như thế nào đến cách tiếp cận và quản lý rủi ro? Ngành bán lẻ cần hỗ trợ gì trong vấn đề này?

Ông Furusawa Yasuyuki: Hành vi của người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn. Họ thích ở nhà, mua hàng trực tuyến và ngại di chuyển đến nhiều nơi để mua sắm trong giai đoạn này. Mọi người có ý thức hơn về sức khỏe. Là một trung tâm mua sắm bán lẻ, chúng tôi cần thu hút người tiêu dùng bằng cách tạo ra những chương trình kích cầu nhằm thúc đẩy họ đến trung tâm mua sắm.

Các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với chi phí hoạt động gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng và do đáp ứng các yêu cầu mới về kiểm soát phòng chống dịch, trong khi chúng tôi và những đối tác thuê mặt bằng đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu.

Đâu là cơ hội và thách thức đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh tại Việt Nam?

Ông Furusawa Yasuyuki: Cơ hội lớn nhất là sự phát triển đáng kể của thương mại điện tử và sự gia tăng tỷ lệ người dùng trực tuyến ở Việt Nam. Thách thức của chúng tôi bây giờ là điều chỉnh quy trình bán hàng theo nhu cầu mới và nâng cao khả năng cung ứng để có thể giao hầu hết các đơn đặt hàng ngay lập tức trong vòng 1-2 giờ. Các nhà bán lẻ phải thích ứng và thay đổi nhanh chóng để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và kỳ vọng khách hàng. AEON cũng đang cân nhắc thử nghiệm tăng thêm lợi ích cho khách hàng qua chính sách mua hàng đổi-trả.

Quan điểm của ông về sự chuyển đổi số hiện nay của các công ty bán lẻ ở Việt Nam? Ông có thể chỉ ra những cách thực hành tốt từ thực trạng này.

Ông Furusawa Yasuyuki: Chúng ta có thể thấy rằng các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang thử nghiệm trong việc số hóa quy trình kinh doanh của họ, như mảng ăn uống và máy bán vé tự động. AEON cũng đang cân nhắc việc số hóa quy trình làm việc với các nhà cung cấp, chẳng hạn như số hóa quy trình phân phối, thông tin cần lưu trữ và giao nhận hàng hóa đúng thời điểm.

Cải tiến kinh doanh có thể mang lại hiệu quả cao hơn nhờ đó có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, điển hình là ứng dụng chuyển đổi số nhằm cải thiện chất lượng của nhà cung cấp sẽ làm tăng sự hài lòng của khách hàng.

Chuyển đổi số sẽ đặt ra những thách thức gì cho nhà bán lẻ và người tiêu dùng?

Ông Furusawa Yasuyuki: Chúng tôi tin rằng đó là về trải nghiệm mới, và từ cả hai phía là nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Rõ ràng việc cắt giảm nhân viên không phải là mục đích của chủ trương chuyển đổi số vì nó sẽ tạo ra sự bất cập nhiều hơn là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của chúng tôi. Tại AEON, bất kỳ quyết định chuyển đổi số nào cũng cần được các nhà lãnh đạo cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng tôi đảm bảo rằng lợi ích từ việc số hóa sẽ hoàn toàn vượt trội hơn bất kỳ tác động tiêu cực nào do thay đổi tạo ra. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết được mong đợi từ các nhà lãnh đạo hiện nay.

Ông có cho rằng tội phạm mạng có thể là một trong những thách thức không? Làm thế nào ngành bán lẻ có thể giải quyết các vấn đề xung quanh an ninh mạng?

Ông Furusawa Yasuyuki: Chúng tôi không có đủ dữ liệu đánh giá tổng thể về rủi ro an ninh mạng. Chúng tôi hiểu rõ để đi đầu trong xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển, thay đổi và ứng dụng kỹ thuật số là điều không thể phủ nhận. Và một khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, luôn có một mối đe dọa rủi ro mạng tiềm ẩn.

Thách thức căn bản đối với các nhà bán lẻ ở Việt Nam hiện nay là nhận thức về rủi ro mạng và cách thức quản lý chúng. Biết được rủi ro là rất quan trọng. Khả năng đo lường rủi ro cũng quan trọng không kém. Điều cốt yếu là phải hiểu rõ hơn về những rủi ro và hậu quả đối với hoạt động kinh doanh khi ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số vào quy trình làm việc của doanh nghiệp.

Tuy rằng luôn tiềm ẩn rủi ro an ninh mạng, một khi quyết định chuyển đổi số, chúng tôi phải đảm bảo rằng lợi ích của việc sử dụng chương trình kỹ thuật số đó lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn.

Ông Philippe Robineau – Tổng Giám đốc Công ty Willis Towers Watson Việt Nam.

“Với kinh nghiệm trên toàn cầu về đánh giá rủi ro an ninh mạng, Willis Towers Watson nhận thấy rằng một số hình thức tội phạm mạng nhất định tác động đặc biệt đến ngành bán lẻ, nhất là khi họ bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử. Điển hình là rủi ro liên quan đến điểm bán hàng khi tội phạm mạng nhắm vào hệ thống thanh toán thẻ, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Việc tấn công vào dữ liệu có thể dẫn đến mất mát hoặc rò rỉ hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu thông tin khách hàng. Các cuộc tấn công vào cửa hàng trực tuyến hoặc tấn công trực tiếp vào hệ thống gây thiệt hại cho bên thứ ba, thậm chí làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bán lẻ. Từ quan điểm quản lý rủi ro, các tập đoàn nên tìm kiếm chuyên gia và tư vấn về xác định và quản lý rủi ro mạng, có thể thông qua công ty tư vấn hoặc chuyên gia bảo hiểm về rủi ro mạng trước khi mua một bảo hiểm giúp chuyển đổi loại rủi ro này một cách hiệu quả.”

– Theo  ý kiến của ông Philippe Robineau – Tổng Giám đốc Công ty Willis Towers Watson Việt Nam

Ba khuyến nghị hàng đầu của ông để ngành bán lẻ của Việt Nam phát huy hết tiềm năng là gì? Ngành bán lẻ sẽ cần hỗ trợ gì từ các nhà hoạch định chính sách, công ty bảo hiểm, trung gian và những người khác?

Ông Furusawa Yasuyuki: Tại thời điểm này, hầu hết các chuyên gia bán lẻ đang xem xét mức độ rủi ro mạng, đồng thời cố gắng hiểu rõ hơn hậu quả đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng trước khi chúng tôi đưa ra quyết định.

“Rõ ràng, khi một nhà bán lẻ phát triển và chuyển đổi số, họ sẽ gặp đối mặt với rủi ro về an ninh mạng ở một mức đô nhất định. Hiện nay, bảo hiểm an ninh mạng (cyber risk) vẫn còn mới và có tỷ lệ thâm nhập thấp ở Việt Nam. Khi nghĩ về rủi ro mạng, mọi người thường cho rằng nó tác động đến các ngân hàng hoặc các doanh nghiệp công nghệ cao. Willis Towers Watson tin rằng các nhà môi giới bảo hiểm đang đóng một vai trò quan trọng để thiết lập các giải pháp bảo hiểm an ninh mạng cho ngành bán lẻ.”

– Theo  ý kiến của ông Philippe Robineau – Tổng Giám đốc Công ty Willis Towers Watson Việt Nam

Chúng ta có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến hơn và làm thế nào để có thể thực hiện điều đó ở Việt Nam?

Ông Furusawa Yasuyuki: Chúng tôi vẫn đang khám phá các giải pháp và luôn cố gắng bảo vệ nhân viên và khách hàng của chúng tôi trong thời gian thử thách.