Khám phá câu chuyện về sự ‘tiến hóa’ của pha lê

0
2304

Để giữ vững vị thế trong thị trường nguyên vật liệu hiện tại, thủy tinh đã trải qua chặng hành trình đầy thăng trầm và “tiến hóa” từ những mảnh vụn thủy tinh, đến hàng loạt món đồ được tạo ra một cách thô sơ nhất, sau đó tiếp tục phát triển nên những nhánh mới được gọi là pha lê nhân tạo và pha lê không chì.

Thời đại hoàng kim của thủy tinh

Vốn đã xuất hiện trong tự nhiên từ rất sớm, thủy tinh mãi đến khoảng năm 3500 TCN mới chính thức được tìm thấy và trải qua công cuộc nhào nặn dưới bàn tay con người. Khi đó, Ai Cập và vùng Lưỡng Hà đã tiên phong mở màn cho ngành công nghiệp chế tác đồ thủy tinh, sau đó lan truyền sang các quốc gia lân cận và cùng góp mặt trở thành thống soái trong “địa hạt gốc Silicat” này.

Với vẻ ngoài trong suốt, bắt mắt, lại tạo ra hiệu ứng khúc xạ tuyệt đẹp, thủy tinh chủ yếu được chế tác dành riêng cho tầng lớp thượng lưu và phổ biến rộng rãi khắp châu Âu, sau đó có mặt ở Trung Quốc nhờ vào con đường tơ lụa. 

Sự soán ngôi của pha lê nhân tạo

“Núi cao còn có núi cao hơn”. Vào năm 1674, một doanh nhân kiêm thợ làm kính đến từ London – George Ravenscroft đã cho ra đời pha lê – loại vật liệu ‘đáng gờm’ có tiềm năng làm khuynh đảo thị trường thủy tinh truyền thống.

Tuy vẫn mang bản chất thủy tinh, nhưng loại pha lê này trộn lẫn một ít oxit chì II (PbO) và oxit bari (BaO), do đó nó còn được gọi là thủy tinh chì (lead glass). Theo nhiều phân tích cho biết, các thành phần bổ sung này giúp pha lê giữ được tính nguyên vẹn khi bị cắt, thổi và dễ dàng tạo hình hơn. Bên cạnh đó, nhờ tính khúc xạ ánh sáng vượt trội, các sản phẩm pha lê không chỉ mang vẻ đẹp sang trọng, mãn nhãn, mà còn sở hữu độ bền bỉ cao hơn hẳn thủy tinh thông thường. Theo đó, đồ pha lê đã nhanh chóng được sản xuất để phục vụ cho nhiều mục đích và nhu cầu khác nhau. Đặc biệt, những chiếc ly uống rượu pha lê đầy tinh xảo đã được phổ biến rộng rãi và làm xiêu lòng những người đi theo chủ nghĩa duy mỹ lúc bấy giờ.

Ở giai đoạn này, khi nhắc đến những ‘ông lớn’ trong lĩnh vực sản xuất pha lê, phần lớn các tên tuổi nổi bật đều tập trung ở khu vực Châu Âu như Lalique và Baccarat (Pháp), Dartington Crystal (Anh), Ajka Crystal (Hungary), và chỉ hiếm hoi một số thương hiệu Châu Á được nhắc đến như Kagami (Nhật Bản). Tuy nhiên, thị trường pha lê bắt đầu chứng kiến sự chuyển mình vào giai đoạn tiếp theo, khi Châu Á gia nhập ‘đường đua’ một cách mạnh mẽ hơn.

Ly pha lê không chì – Kỷ nguyên của sự an toàn và chất lượng

Vào những năm 1990, nhiều nghiên cứu chỉ ra tiềm năng nhiễm độc chì khá cao khi sử dụng ly pha lê để uống rượu. Theo đó, đã có không ít người phản đối các sản phẩm pha lê và đặt ra tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn cho mặt hàng này. Vì thế, để tạo ra một sản phẩm vừa bền đẹp, lại đảm bảo sức khỏe, và thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của pha lê ngày trước, những chiếc ly pha lê không chì (lead-free crystal) đã được phát minh và nhanh chóng thành công xây dựng uy tín trong lòng người tiêu dùng.

Hàng loạt thương hiệu đi đầu trong việc sản xuất ly pha lê không chì ở phương Tây có thể kể đến như Riedel (Áo), Bormioli Rocco (Ý), Georg Jensen (Hà Lan), Moser (Cộng hòa Séc), Schott Zwiesel (Đức) và Mikasa (Hoa Kỳ), v.v. Trong khi đó, phương Đông dẫu tiến vào thị trường muộn hơn những “người anh em Âu Mỹ”, nhưng các dòng ly được sản xuất tại đây vẫn sở hữu cả kiểu dáng và chất lượng nổi bật.  Dù sử dụng những công nghệ hàng đầu theo tiêu chuẩn Châu Âu, nhưng ly pha lê Châu Á vẫn giữ được sự thanh thoát, tỉ mỉ và tinh tế như chính tính cách của các nghệ nhân phương Đông – những người đã dành nhiều tâm sức tạo ra các ‘kiệt tác’ pha lê này. Trong đó, Lucaris Crystal (Thái Lan) hiện đang là cái tên tiên phong trong thị trường ly pha lê Châu Á với đa dạng các dòng sản phẩm cao cấp, đáp ứng được yêu cầu khắt khe khi lựa chọn ly của giới mộ điệu rượu vang khắp nơi.

Mặc dù ly pha lê không chì sẽ gây khó khăn hơn trong công đoạn chế tác, song chính vì vậy mà chúng được chạm khắc kỹ lưỡng và sở hữu trọng lượng nhẹ hơn những chiếc ly thông thường. Khi cụng ly, âm thanh sẽ phát ra những tiếng ngân kéo dài, trong trẻo và vang xa, tạo ra những khoảnh khắc “nịnh mắt, đã tai” cho người cầm chúng. Mặt khác, một chi tiết không thể không nhắc đến khi bàn về thế mạnh của ly pha lê nói chung và dòng pha lê không chì nói riêng là khả năng nâng tầm tổng thể mùi vị của rượu và dẫn dắt người thưởng thức đi qua mỗi tầng hương đặc trưng có trong ly rượu của mình.

Có thể nói rằng, nếu rượu là một nghệ thuật thì người biết thưởng rượu là một ‘nghệ nhân’ về hương vị, đề cao sự say mê và thích khám phá những tầng hương độc đáo. Do đó, việc lựa chọn ly pha lê phù hợp cho từng loại rượu là rất quan trọng, bởi nó không chỉ giúp thăng hạng trải nghiệm uống rượu mà còn thể hiện được cá tính và nét độc bản của mỗi con người. Với ‘đường đua’ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các thương hiệu ly pha lê trên khắp thế giới ngày càng cho ra đời nhiều bộ sưu tập chất lượng, đa dạng mẫu mã và kiểu dáng,  nhằm đáp ứng được mọi nhu cầu và đối tượng khách hàng của mình.